logo
Theo dõi investo trên google news

thứ ba, 03/05/2022

Lạm phát đình trệ là gì? Ảnh hưởng của Stagflation

Lạm phát đình trệ xảy ra khi một nền kinh tế trải qua tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm (đình trệ) và tỷ lệ thất nghiệp cao cùng với lạm phát cao (giá hàng hóa và dịch vụ tăng cao). Cùng Investo tìm hiểu ngay về lạm phát đình trệ thông qua bài viết sau đây nhé!

investo - lam phat - 220503

Lạm phát đình trệ là gì?

Lạm phát đình trệ hay đình lạm là sự kết hợp của một số điều kiện kinh tế: tăng trưởng kinh tế chậm (đình trệ), tỷ lệ thất nghiệp cao và mức độ lạm phát cao. Khi sản lượng kinh tế mở rộng chậm hơn hoặc thu hẹp, sẽ có ít cơ hội việc làm hơn. Điều này có thể dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao, có nghĩa là người tiêu dùng có ít tiền hơn để chi tiêu.

Không giống như trong một giai đoạn suy thoái, tỷ lệ lạm phát cũng tăng trong lạm phát đình trệ. Khi hàng hóa và dịch vụ trở nên đắt hơn nhiều, số tiền mà mọi người có được sẽ ít đáng giá hơn. Lạm phát đình trệ hiếm khi xảy ra nhưng nó có thể rất nguy hiểm vì thu nhập của mọi người đang giảm cùng lúc với chi phí ngày càng tăng – người tiêu dùng đang bị siết chặt từ cả hai phía.

Lịch sử của lạm phát đình trệ trong những năm 1970

Trong những năm 1970, nền kinh tế Mỹ đã chứng kiến ​​một thời kỳ lạm phát đình trệ lớn, với lạm phát đạt đến mức đỉnh 13,3% và tỷ lệ thất nghiệp đỉnh điểm ở mức 11%.

Tổng thống Richard Nixon đã đối phó với những thách thức kinh tế này bằng các quy định đóng băng tiền lương và giá cả. Ông cũng chấm dứt chế độ bản vị vàng, giúp Cục Dự trữ Liên bang – ngân hàng trung ương của Mỹ – kiểm soát giá trị của đồng đô la dễ dàng hơn. 

Sự kiện lạm phát đình trệ tồi tệ nhất là cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973. Bắt đầu khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ban hành lệnh cấm vận. Nhắm vào các quốc gia ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur, bao gồm Nhật Bản, Canada, Mỹ, Anh và Hà Lan.

Giá dầu đã tăng gần 400% khi lệnh cấm vận bắt đầu, buộc người tiêu dùng phải xếp hàng dài nếu muốn đổ xăng.

Một số nền kinh tế phương Tây đã phản ứng với lạm phát đình trệ và suy thoái bằng cách tăng chi tiêu chính phủ. Anh, Pháp, Ý và Canada đã tìm cách kích thích nền kinh tế.

Đến năm 1980, nước Mỹ đã kiềm chế được lạm phát đình trệ bằng cách thay đổi chính sách tiền tệ của mình để giảm lạm phát xuống mức hợp lý. Những nỗ lực này đã thành công nhưng lại đóng một vai trò trong việc gây ra suy thoái vào đầu những năm 1980.

Ví dụ về đình lạm

Các nhà kinh tế đặt ra thuật ngữ “lạm phát đình trệ” vào những năm 1970, khi nước Mỹ trải qua sự kết hợp của những điều kiện kinh tế mà các chuyên gia cho là không thể trước đó. Tỷ lệ lạm phát trung bình trong thập kỷ này là 6,85%, vượt xa tỷ lệ 2,56% của những năm 60 và tỷ lệ 3,41% trong giai đoạn 1930-1980. Đỉnh điểm là vào năm 1979 khi tỷ lệ lạm phát lên đến 13,3%.

Đồng thời, nền kinh tế Mỹ đã trải qua một giai đoạn suy thoái kinh tế từ năm 1973 đến năm 1975 (được định nghĩa là ít nhất hai quý liên tiếp với tổng sản phẩm quốc nội bị thu hẹp). Tỷ lệ thất nghiệp cũng ở mức cao trong suốt thập kỷ, đạt gần 9% trong thời kỳ suy thoái và tăng lên 11% vào năm 1981 và 1982.

Sự kết hợp giữa nền kinh tế yếu kém và lạm phát cao đã dẫn đến những thách thức kinh tế đối với người dân Mỹ.

Bài học rút gọn

Lạm phát đình trệ giống như cố gắng dập lửa chỉ để thấy rằng tầng hầm đang ngập nước…

Suy thoái kinh tế giống như ngọn lửa thiêu rụi nền kinh tế, khiến nó bị thu hẹp lại. Lũ lụt giống như lạm phát, nhấn chìm khả năng mua hàng bằng tiền của người tiêu dùng. Thông thường, bạn sẽ muốn dập lửa bằng cách sử dụng nước. Nhưng nếu nhà của bạn cũng đang bắt đầu ngập lụt, việc đổ thêm nước vào sẽ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Tình hình này khiến bạn không có cách nào rõ ràng để giải quyết cả hai vấn đề.

Lạm phát đình trệ xảy ra như thế nào?

Nguyên nhân của lạm phát đình trệ rất phức tạp vì phải có sự kết hợp của các yếu tố làm tăng cả lạm phát và thất nghiệp.

Trong trường hợp của Mỹ, một nguyên nhân chính là do mức chi tiêu cao của chính phủ, đặc biệt là cho Chiến tranh Việt Nam, kết hợp với các chính sách và sự kiện làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc giảm nguồn cung hàng hóa.

Mỹ đã là một trong những nền kinh tế lớn duy nhất của thế giới hầu như không bị tàn phá bởi chiến tranh. Điều này đã tạo ra cho xứ cờ hoa một lợi thế cạnh tranh lớn so với các quốc gia khác trên phương diện sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Dự luật GI cũng đã tạo ra một lực lượng lao động có trình độ học vấn tốt, làm tăng tầng lớp trung lưu và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, bao gồm cả hệ thống xa lộ liên tiểu bang, dẫn đến khả năng kết nối rộng rãi hơn và vận chuyển hàng hóa thông suốt hơn.

Những yếu tố thuận lợi này đã giúp tổng sản phẩm quốc nội (tổng giá trị sản lượng kinh tế trong nước) của Mỹ tăng từ mức 280 tỷ USD của năm 1950 lên hơn 1 tỷ USD vào năm 1970.

Khi các quốc gia khác bắt đầu bắt kịp và cạnh tranh hiệu quả hơn với các nhà sản xuất của Mỹ và chi tiêu chính phủ tăng quá cao, nền kinh tế đã phản ứng. Tăng trưởng đã chậm lại, tiền lương giảm và giá hàng hóa tăng vọt. 

Các quốc gia có thể ngăn chặn lạm phát đình trệ như thế nào?

Ngăn chặn lạm phát đình trệ liên quan đến việc giữ lạm phát trong tầm kiểm soát trong khi duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định cho nền kinh tế.

Hiện nay, các ngân hàng trung ương đang hoạt động tích cực để duy trì tỷ lệ lạm phát ổn định bằng cách sử dụng nhiều loại đòn bẩy kinh tế. Thông thường, tỷ lệ lạm phát mục tiêu là khoảng 2%.

Ngân hàng trung ương kiểm soát lạm phát chủ yếu thông qua việc điều chỉnh lãi suất ngắn hạn. Khi lạm phát quá cao, ngân hàng tăng lãi suất khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm nhiều hơn và vay ít hơn. Giá cả cũng vì vậy mà tăng chậm hơn do nhu cầu giảm xuống.

Giảm lãi suất ngắn hạn sẽ khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều tiền hơn và người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn vào hàng hóa và dịch vụ. Điều này thúc đẩy nhu cầu, cho phép giá cả tăng lên. Nếu tỷ lệ lạm phát quá thấp, các ngân hàng trung ương có xu hướng giảm lãi suất để thúc đẩy lạm phát cao hơn.

Một phần khác của việc ngăn chặn lạm phát đình trệ là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế liên tục, nhưng điều này thường khó khăn do tính chu kỳ của nền kinh tế. Vào những năm 1970, Mỹ phải chấp nhận suy thoái để kiềm chế lạm phát.

Để tránh lạm phát đình trệ, chính phủ thường phải giảm lãi suất, thúc đẩy chi tiêu và tăng trưởng. Tuy nhiên, lãi suất thấp cũng có nguy cơ làm gia tăng lạm phát, đòi hỏi ngân hàng trung ương phải cân bằng giữa việc thúc đẩy tăng trưởng và kiềm chế lạm phát.

Các quốc gia có thể khắc phục tình trạng lạm phát đình trệ khi nó xảy ra như thế nào?

Lạm phát đình trệ là vấn đề khó giải quyết vì các đòn bẩy điển hình để thúc đẩy tăng trưởng làm tăng lạm phát, và các đòn bẩy để giảm lạm phát có thể khiến nền kinh tế thu hẹp lại. Điều này khiến các ngân hàng trung ương phải đối mặt với một nhiệm vụ có vẻ bất khả thi vì giải quyết một vấn đề sẽ làm cho vấn đề kia trở nên tồi tệ hơn.

Nhà kinh tế học Milton Friedman cho rằng cách duy nhất để chống lại lạm phát đình trệ là chống lạm phát. Giảm lạm phát sẽ cho phép một nền kinh tế giải quyết các nguyên nhân thực sự của thất nghiệp, trong khi tăng chi tiêu để chống thất nghiệp sẽ chỉ dẫn đến lợi ích ngắn hạn và làm tăng lạm phát trong dài hạn.

Một số chiến lược đầu tư trong thời kỳ lạm phát đình trệ

Khi nhà đầu tư đối mặt với lạm phát đình trệ, việc tìm kiếm cơ hội tăng trưởng có thể là một thách thức, và lạm phát cũng liên tục ăn mòn giá trị các khoản đầu tư của họ. Khi lạm phát tăng lên, giá trị của lợi nhuận trái phiếu giảm xuống và thậm chí có thể dẫn đến thua lỗ nếu tỷ lệ lạm phát tăng đủ cao. Nền kinh tế trì trệ cũng có nghĩa là nhà đầu tư rất khó tìm thấy tăng trưởng trong các cổ phiếu.

Một lựa chọn là đầu tư vào bất động sản. Giá thuê nhà đã tăng nhanh hơn lạm phát (và tiền lương) trong nhiều thập kỷ. Nhưng nếu tình trạng đình trệ kinh tế chuyển thành suy thoái, trong một số thị trường nhà ở, bạn có thể không tìm được người cho thuê, để lại cho bạn một tài sản không tạo ra thu nhập.

Một lựa chọn khác là tập trung vào các công ty lớn, có uy tín với các giao dịch nước ngoài nhiều đáng kể, đặc biệt nếu họ hoạt động ở các quốc gia không trải qua tình trạng lạm phát đình trệ. Đồng tiền suy yếu làm cho hàng xuất khẩu trở nên rẻ hơn đối với người mua ở các nước khác. Điều này có thể giúp các công ty xuất khẩu tăng doanh thu.

Lạm phát đình trệ là tốt hay xấu?

Stagflation là một điều tồi tệ. Nó là sự kết hợp của cả ba tình huống kinh tế không mong muốn: lạm phát cao, tỷ lệ thất nghiệp cao và tốc độ tăng trưởng rất chậm. Các ngân hàng trung ương cố gắng hướng nền kinh tế đến tỷ lệ lạm phát và tăng trưởng hợp lý, duy trì việc làm và các điều kiện kinh tế tốt cho xã hội. Lạm phát có xu hướng làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và giá cả, khiến mọi người khó mua hàng hóa họ cần và tìm cơ hội kinh tế mới.

Lạm phát đình trệ là một điều tồi tệ cũng vì nó rất khó giải quyết. Một giải pháp điển hình cho hiệu suất kinh tế yếu kém là tăng cường chi tiêu chính phủ. Tuy nhiên, tăng chi tiêu có thể làm tăng lạm phát. Các chính phủ thường kiểm soát lạm phát bằng cách tăng lãi suất, nhưng điều đó có thể làm giảm chi tiêu và làm suy yếu nền kinh tế. Do những yếu tố đối lập này, đưa một nền kinh tế thoát ra khỏi tình trạng lạm phát đình trệ có thể là một thách thức vô cùng lớn.

Huân Hà - Theo learn.robinhood.com

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến