logo
Theo dõi investo trên google news

thứ tư, 27/04/2022

Investo đầu tư 101: suy giảm giá trị tài sản (impairment) là gì?

Định nghĩa:

Suy giảm giá trị tài sản là sự sụt giảm vĩnh viễn về giá trị của một tài sản, thể hiện qua mức chênh lệch giữa giá trị sổ sách và giá trị hợp lý của tài sản đó.

investo - dau tu - 220427

Tìm hiểu về suy giảm giá trị tài sản

Suy giảm giá trị tài sản (suy giảm giá trị) là thuật ngữ mô tả hiện tượng sụt giảm giá trị vĩnh viễn của một tài sản. Suy giảm giá trị phát sinh do tài sản có giá trị sổ sách không thay đổi, trong khi giá trị thực tế của chúng có thể tăng hoặc giảm theo thời gian. Khi giá trị thị trường của một tài sản vĩnh viễn giảm xuống dưới giá trị sổ sách, mức giảm này được gọi là suy giảm giá trị tài sản (impairment). Các doanh nghiệp cần phải hạ giá trị của tài sản trên bảng cân đối kế toán để phản ánh bức tranh tài chính được cập nhật mới. Các loại tài sản bị suy giảm giá trị phổ biến nhất là tài sản cố định và tài sản vô hình. Các loại tài sản cố định như bất động sản, nhà máy và trang thiết bị sẽ thường xuyên bị suy giảm giá trị. Các tài sản vô hình, chẳng hạn như tài sản trí tuệ (như bằng sáng chế hoặc nhãn hiệu), cũng có thể bị suy giảm giá trị.

Ví dụ

Giả sử có hai quốc gia nổ ra cuộc chiến thương mại. Theo giả định, một doanh nghiệp sản xuất ô tô ở quốc gia A và nhập khẩu chúng vào quốc gia B sẽ ghi nhận được rằng giá nhập khẩu những chiếc ô tô đó bị tăng lên. Kết quả là lợi nhuận của nhà máy giảm. Vì doanh nghiệp này không tạo ra nhiều lợi nhuận nên họ có giá trị thấp hơn. Do đó, giữa giá trị sổ sách và giá trị thị trường sẽ có sự chênh lệch rõ rệt. Trong trường hợp này, doanh nghiệp đã bị suy giảm giá trị tải sản.

Bài học

Suy giảm giá trị tài sản cũng giống như khi một chiếc xe bán kem bị dời từ vùng sa mạc đến Nam Cực vậy...

Kem có thể vẫn ngon như khi được bán ở sa mạc, nhưng vì nơi bán là địa điểm mới, chủ xe kem sẽ không bán được nhiều kem và giá trị của chiếc xe đó sẽ giảm xuống thấp hơn nhiều.

20220426-Investo-Robinhood-Pham Dang Khoa (Impairment_series 101) pic 2.jpg

Lỗ do suy giảm giá trị tài sản có phải là một khoản chi phí không?

Khi nhân viên kế toán ghi nhận suy giảm giá trị tài sản, người đó sẽ thực hiện trên hai khoản mục:

  1. Bút toán ghi có trên bảng cân đối kế toán để giảm giá trị của tài sản.
  2. Bút toán ghi nợ trên báo cáo kết quả kinh doanh để ghi nhận chi phí.

Căn cứ theo điều đó, lỗ do suy giảm giá trị (impairment loss) cũng được tính là một khoản chi phí. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là doanh nghiệp bị mất tiền trong kỳ báo cáo, mà khoản chi phí này chỉ phản ánh rằng giá trị của doanh nghiệp đã giảm do một trong các tài sản của doanh nghiệp đó không còn giá trị cao như trước đây.

Các tài sản vô hình như bản quyền hoặc bằng sáng chế cũng có thể bị suy giảm giá trị. Nếu tài sản sở hữu trí tuệ được chia sẻ công khai hoặc mất quyền được bảo vệ do phát sinh một vụ kiện nào đó, thì tài sản đó sẽ bị ghi nhận là suy giảm giá trị. Doanh nghiệp sẽ ghi nhận khoản chi phí này trên bản báo cáo kết quả kinh doanh, ngay cả khi chúng không liên quan đến chi phí trực tiếp.

Điều quan trọng cần lưu ý là theo các Nguyên tắc Kế toán được Chấp nhận Chung (GAAP), một khi tài sản đã bị suy giảm giá trị thì sau này sẽ không thể tăng lên. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp nên đảm bảo chắc chắn rằng tài sản đã bị suy giảm giá trị vĩnh viễn trước khi bút toán giảm tài sản đó.

Cách tính mức suy giảm giá trị tài sản

Khoản lỗ do suy giảm giá trị được tính bằng cách lấy giá trị sổ sách của tài sản trừ giá trị hợp lý của tài sản đó. Giá trị sổ sách đôi khi còn được gọi là giá trị ghi sổ, trong khi giá trị hợp lý của tài sản cũng có lúc được gọi là giá trị thị trường.

Lỗ do suy giảm giá trị = Giá trị sổ sách - Giá trị hợp lý

Giá trị hợp lý (hay giá trị thị trường) thường là giá trị mà nhà đầu tư sẽ trả cho tài sản được đề cập trong trường hợp này. Trong các tình huống khác, giá trị hợp lý có thể là giá trị có thể thu hồi (recoverable value) của tài sản. Nếu tài sản bị hư hỏng nhưng vẫn có thể bán được thì nhân viên kế toán sẽ sử dụng giá trị có thể thu hồi.

Chẳng hạn, chiếc xe bị tai nạn của doanh nghiệp vẫn có thể được bán để làm phế liệu. Trong trường hợp đó, khoản lỗ do suy giảm giá trị sẽ là khoản chênh lệch giữa giá trị sổ sách và giá trị có thể thu hồi được nếu chiếc xe được bán đi thành công.

Trong một số tình huống, số liệu suy giảm giá trị có thể cho thấy rằng tài sản đã bị mất giá trị hoàn toàn.

Các doanh nghiệp khác nhau sẽ sử dụng các phương pháp cơ cấu báo cáo tài chính khác nhau. Trong ngành tài chính, đây được gọi là cơ sở kế toán. Một trong những cơ sở kế toán được biết đến nhiều nhất là GAAP (Các Nguyên tắc Kế toán được Chấp nhận Chung). Chẳng hạn như ở Mỹ, tất cả các công ty đại chúng đều được Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) yêu cầu tuân theo chuẩn mực GAAP.

Theo GAAP, quy trình ba bước để tính toán mức suy giảm giá trị tài sản là:

Bước 1: Các doanh nghiệp phải thường xuyên kiểm tra tất cả các tài sản của họ để tìm các dấu hiệu suy giảm, chẳng hạn như khi giá trị thị trường của tài sản đó giảm đáng kể.

Bước 2: Nếu giá trị thị trường giảm đáng kể, các doanh nghiệp phải tính giá trị có thể thu hồi của tài sản. Con số này được tính bằng cách xác định dòng tiền chưa chiết khấu từ việc sử dụng tài sản liên tục. Nếu giá trị do dòng tiền mang lại thấp hơn giá trị sổ sách thì doanh nghiệp phải ghi nhận khoản lỗ do suy giảm giá trị.

Bước 3: Các doanh nghiệp phải xác định chính xác mức lỗ do suy giảm giá trị bằng cách xác định giá trị thị trường của tài sản. Giá trị thị trường được xác định bằng cách ước tính giá trị của tài sản nếu được bán ngay trong tình trạng hiện tại cho người sẵn lòng mua. Giá trị thị trường ước tính trong bước này được sử dụng để tính toán mức lỗ do suy giảm giá trị.

Khác biệt giữa suy giảm giá trị so với khấu hao

Suy giảm và khấu hao giống nhau ở chỗ cả hai thước đo này đều nhằm đánh giá những tài sản bị mất giá. Tuy nhiên, khấu hao khác ở chỗ đánh giá khoản hao hụt giá trị có thể dự đoán được và dự kiến được ​​theo thời gian. Ví dụ, trang thiết bị và máy móc của nhà máy sẽ bị hao mòn theo thời gian, chúng sẽ trở nên kém hiệu quả hơn. Khấu hao phản ánh tình trạng hao hụt giá trị của những thiết bị máy móc đó theo thời gian.

Trong khi đó, suy giảm giá trị tài sản mang tính đột ngột và không lường trước được so với khấu hao. Ví dụ, nếu có một nhà máy mất giá vì thiết bị của họ đã cũ thì đó là thuộc phạm trù khấu hao. Đà suy giảm lợi nhuận trong trường hợp này sẽ đến chậm và dự liệu được.

Cùng một nhà máy đó nếu bị mất giá vì tai nạn hỏa hoạn thì đó là thuộc phạm trù suy giảm giá trị tài sản. Không giống như ví dụ trước, vụ cháy nhà máy sẽ là một sự kiện phát sinh đột ngột và bất ngờ.

Một điểm khác biệt quan trọng cần lưu ý là nghiệp vụ khấu hao thường được thực hiện từ đầu vòng đời của tài sản. Các doanh nghiệp cần đưa ra dự đoán họ sẽ sử dụng tài sản trong bao lâu và xác định xem họ có thể bán tài sản đó với giá bao nhiêu khi đã kết thúc vòng đời dự tính. Khoản lỗ do hao hụt giá trị đó sẽ được ghi nhận trong suốt quãng thời gian tồn tại dự tính ​​của tài sản.

Giới kế toán thường áp dụng “phương pháp đường thẳng” để xác định giá trị khấu hao. Ví dụ: một chiếc máy trị giá 1 tỷ đồng khi mới mua dự kiến ​​sẽ chỉ còn 200 triệu đồng sau 5 năm. Trước tiên, doanh nghiệp sẽ tính tổng số tiền khấu hao bằng cách lấy giá mua mới trừ đi giá bán thiết bị đã qua sử dụng (1 tỷ đồng - 200 triệu đồng = 800 triệu đồng). Sau đó, lấy kết quả này để chia cho 5 năm (800 triệu đồng / 5 năm), doanh nghiệp xác định được rằng chiếc máy giảm 160 triệu đồng/năm. Chi phí 160 triệu đồng sau đó sẽ được ghi lại dưới khoản mục khấu hao hàng năm trong vòng 5 năm.

Suy giảm giá trị các khoản phải thu (receivables impairment) là gì?

Các khoản phải thu là một thuật ngữ chung dùng để chỉ các khoản thanh toán mà một doanh nghiệp cần phải thu lại đối với hàng hóa hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp đó đã cung cấp cho khách hàng nhưng chưa được thanh toán. Đối với các khoản phải thu, có một điểm rất quan trọng là doanh nghiệp dự kiến ​​sẽ được thanh toán tiền cung ứng sản phẩm hoặc dịch vụ của họ trong tương lai.

Căn cứ trên kỳ vọng này, các khoản phải thu được liệt kê dưới dạng một khoản mục tài sản trên bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa thực sự nắm trong tay số tiền mà họ đáng lẽ phải sở hữu.

Các cá nhân và công ty đối tác không phải lúc nào cũng trả được ngay số tiền mà họ nợ. Điều đó có nghĩa là giá trị trong các khoản phải thu không được đảm bảo 100%. Các doanh nghiệp thường đối phó với vấn đề này, ở một mức độ nào đó, bằng cách trích lập dự phòng trên bảng cân đối kế toán của họ cho khoản mục “nợ khó đòi” hoặc “nợ xấu”. Dựa trên xu hướng thanh toán và không thanh toán của đối tác trong quá khứ, các doanh nghiệp có thể dự đoán số tiền thực nhận cuối cùng.

Cuối cùng, doanh nghiệp cũng phải xóa các khoản nợ khó đòi không có khả năng thu hồi. Trong tình huống này, đây được gọi là suy giảm giá trị các khoản phải thu (receivables impairment).

Những doanh nghiệp khác nhau sẽ sử dụng các tiêu chuẩn khác nhau để xác định thời điểm mà họ cần xóa nợ khó đòi. Nhiều doanh nghiệp thường yêu cầu khách hàng của họ thanh toán trong vòng 30, 90 hoặc 120 ngày kể từ ngày gửi hóa đơn. Có một tiêu chuẩn chung dùng để xác định xem một khoản nợ có khó đòi hay không là dựa trên khoảng thời gian trả nợ.

Nói chung, nếu một khoản nợ bị kéo dài hơn hai lần thời hạn thanh toán tiêu chuẩn, thì đó được coi là nợ khó đòi. Ví dụ: nếu hóa đơn yêu cầu thanh toán trong vòng 30 ngày và con nợ không thanh toán sau 60 ngày kể từ khi hóa đơn được gửi cho họ thì khoản nợ này được coi là "khó đòi".

Một tình huống khác mà khoản nợ được coi là “khó đòi” là khi công ty mắc khoản nợ phải trả bị phá sản. Khi công ty nào đó sắp phá sản, họ sẽ được bảo vệ về mặt pháp lý trong việc thanh toán các khoản nợ. Đôi khi cũng có những doanh nghiệp thu hồi được một phần hoặc toàn bộ các khoản nợ của mình từ một doanh nghiệp bị phá sản và đôi khi không.

Tình huống cuối cùng mà khoản nợ có thể trở thành nợ xấu là khi khách hàng không hài lòng về chất lượng của hàng hóa hoặc dịch vụ mà họ đã nhận. Mặc dù điều này đôi khi có thể được giải quyết rất êm đẹp, nhưng những màn tranh chấp này đôi khi sẽ bị đẩy lên tới tòa án và có thể mất nhiều thời gian để giải quyết.

Suy giảm giá trị lợi thế thương mại (goodwill impairment) là gì?

Lợi thế thương mại (goodwill) thường được ghi nhận khi một doanh nghiệp này mua lại một doanh nghiệp khác với giá cao hơn mức giá thị trường. Thước đo đó thể hiện mức chênh lệch giữa giá trị hợp lý của doanh nghiệp và giá thực mua.

Bạn có thể tính toán giá trị hợp lý của một doanh nghiệp bằng cách lấy giá trị tài sản trừ đi các khoản nợ. Con số chênh lệch giữa hai mức giá này và giá thực mua sau đó sẽ được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán dưới khoản mục lợi thế thương mại (một dạng tài sản vô hình).

Giá trị của một doanh nghiệp dao động dựa trên các yếu tố nội tại, chẳng hạn như doanh thu và các yếu tố bên ngoài như điều kiện thị trường. Một doanh nghiệp được doanh nghiệp khác mua lại sẽ khó có khả năng giữ nguyên giá trị mãi mãi.

Nếu giá trị của doanh nghiệp được mua vĩnh viễn giảm xuống dưới giá trị sổ sách, thì giá trị lợi thế thương mại trên bảng cân đối kế toán là mục giá trị đầu tiên bị ảnh hưởng. Vì vậy, khi giá trị của doanh nghiệp được mua giảm vĩnh viễn, mục suy giảm giá trị lợi thế thương mại sẽ được ghi nhận lại.

Đăng Khoa - Theo learn.robinhood.com

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến