Hệ số tương quan là một thước đo tài chính hữu ích mô tả mối liên hệ giữa giá của các tài sản khác nhau.
Hệ số tương quan là mức độ mà giá của các tài sản khác nhau di chuyển cùng với nhau. Hai tài sản sẽ có hệ số tương quan cao nếu giá của chúng di chuyển theo một tỷ lệ tương tự và cùng chiều. Hai tài sản sẽ có hệ số tương quan âm cao nếu giá của chúng di chuyển theo các hướng ngược nhau. Nếu giá của các tài sản khác nhau di chuyển không liên quan gì đến nhau, chúng sẽ có hệ số tương quan thấp. Hệ số tương quan thường được đo lường giữa các loại tài sản khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ và hàng hóa. Hệ số cũng có thể được đo lường giữa các chứng khoán thuộc cùng một loại tài sản, chẳng hạn như giữa hai cổ phiếu. Hệ số tương quan thường được tính toán trong một khoảng thời gian cụ thể. Hiểu được hệ số tương quan giữa các tài sản khác nhau là rất quan trọng trong việc quản lý mức độ rủi ro của danh mục đầu tư – Nếu tất cả tài sản đều có hệ số tương quan cao thì rủi ro của danh mục đầu tư sẽ rất lớn.
Hãy cùng xem một ví dụ với hai công ty hư cấu. Một công ty có tên là Lead Corp và công ty còn lại có tên là Apex Tech. Trong 5 ngày qua, cổ phiếu hư cấu của Lead Corp đã lần lượt đóng cửa ở mức:
200 USD
195 USD (giảm 5 USD)
197 USD (tăng 2 USD)
202 USD (tăng 5 USD)
204 USD (tăng 2 USD)
Trong khi đó, cổ phiếu Apex Tech đã lần lượt đóng cửa ở mức:
100 USD
110 USD (tăng 10 USD)
115 USD (tăng 5 USD)
112 USD (giảm 3 USD)
110 USD (giảm 2 USD)
Như bạn có thể thấy, giá cổ phiếu của hai công ty dường như không biến động song song – Điều này có nghĩa là hai cổ phiếu có hệ số tương quan thấp, hoặc thậm chí là tương quan nghịch – trong 5 ngày này. Chỉ có thực hiện một số phép tính toán học mới có thể xác nhận tương quan là gì.
Hệ số tương quan giống như cá di chuyển trong đại dương ...
Trong một đại dương, bạn thường sẽ tìm thấy hai loại cá. Một loại di chuyển thành bầy, với tất cả cá di chuyển đồng loạt với các chuyển động có phối hợp (tương quan cao). Các loại cá khác di chuyển độc lập và theo các hướng khác nhau (tương quan thấp). Tương tự, giá của một số tài sản di chuyển song song trong khi giá của những tài sản khác di chuyển độc lập.
Trong tài chính, tương quan là mối quan hệ giữa giá cả của các tài sản khác nhau. Mối liên hệ này được biểu diễn bằng số bằng hệ số tương quan. Có một số loại hệ số tương quan, nhưng thông thường, hệ số Pearson là thước đo được sử dụng trong tài chính và đầu tư. Hệ số này được đo trên thang điểm từ 1 đến -1:
Hệ số tương quan cũng mô tả sức mạnh của mối quan hệ giữa giá của hai tài sản. Ví dụ: nếu mối tương quan của hai tài sản là 0,2 thì chúng có mối tương quan cùng chiều nhưng yếu. Ngược lại, nếu hai tài sản có tương quan 0,85 thì chúng có mối tương quan cùng chiều và chặt chẽ.
Hệ số tương quan chỉ đơn giản là đo lường chuyển động giá của các tài sản khác nhau – chứ không phải điều gì gây ra chuyển động đó. Hệ số tương quan cũng không phải là vĩnh viễn, nó có thể thay đổi theo thời gian và trong các giai đoạn khác nhau. Ví dụ, hệ số tương quan giữa chứng khoán Mỹ và chứng khoán quốc tế là 0,35 trong những năm 1980 và tăng lên thành 0,8 vào tháng 9/2018.
Tương quan cổ phiếu là mối liên hệ giữa chuyển động giá của các cổ phiếu khác nhau. Có một số yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Các cổ phiếu trong cùng lĩnh vực có thể có xu hướng chuyển động cùng nhau. Các công ty có các hoạt động kinh doanh phụ trợ hoặc liên kết với nhau cũng có thể có hệ số tương quan dương. Ví dụ, trong một tình huống giả định, nếu cổ phiếu của một công ty sản xuất ô tô tăng giá thì cổ phiếu của một công ty sản xuất lốp xe cũng có thể tăng lên.
Tương tự, những cổ phiếu có hệ số tương quan âm có thể có những hoạt động kinh doanh ảnh hưởng tiêu cực lẫn nhau. Ví dụ, giá dầu tăng có xu hướng làm cho các cổ phiếu dầu tăng lên. Tuy nhiên, các cổ phiếu ngành hàng không có thể sẽ giảm xuống do họ phải trả tiền cho nhiên liệu đắt hơn.
Tương quan cổ phiếu cũng có thể được sử dụng để tìm hiểu cách một cổ phiếu cụ thể di chuyển so với một chỉ số như S&P 500.
Tương quan = Hiệp phương sai của cả hai tài sản / (Độ lệch chuẩn của Tài sản 1 * Độ lệch chuẩn của Tài sản 2)
Hệ số tương quan được tính bằng cách so sánh xem các tài sản di chuyển với nhau như thế nào so với mức độ di chuyển của các tài sản xung quanh mức giá trung bình của chúng.
Phương trình toán học chính thức cho hệ số tương quan là: Tương quan = hiệp phương sai của cả hai tài sản (tốc độ mà giá của một tài sản thay đổi so với tài sản kia) chia cho tích của độ lệch chuẩn của chúng (độ phân tán của giá tài sản so với giá trị trung bình của nó).
Để tính hệ số tương quan, chúng ta phải tìm ra hiệp phương sai và độ lệch chuẩn cho cả hai tài sản.
Hãy cùng xem từng bước trong cách tính.
Đây là các phép tính:
Ngoài việc biết được sức mạnh của mối quan hệ giữa giá tài sản, hệ số tương quan cũng có thể cung cấp cho nhà đầu tư cái nhìn sâu sắc hơn về thị trường chứng khoán nói chung.
Nếu hầu hết các cổ phiếu trong một chỉ số (như S&P 500) có hệ số tương quan cao, giá của chúng đang di chuyển theo các hướng tương tự nhau. Các yếu tố ảnh hưởng đến chuyển động của chúng có thể là các vấn đề kinh tế vĩ mô nói chung – Hãy nghĩ về những vấn đề lớn như thay đổi lãi suất, chính sách của chính phủ và chiến tranh thương mại. Các loại yếu tố này có xu hướng ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường chứng khoán nói chung, khiến các cổ phiếu trong một chỉ số có mối tương quan cao hơn.
Ngược lại, nếu các cổ phiếu trong một chỉ số có hệ số tương quan thấp, giá của các cổ phiếu riêng lẻ sẽ di chuyển theo các hướng khác nhau. Thông thường, trong những trường hợp như vậy, tin tức cụ thể của các công ty đang là lý do gây ra chuyển động giá cổ phiếu. Một số nhà đầu tư cho rằng hệ số tương quan thấp hơn giữa các cổ phiếu là cơ hội tốt để đầu tư vào các công ty vì chính các yếu tố cơ bản (doanh thu, lợi nhuận, tăng trưởng) đang thúc đẩy giá cổ phiếu chứ không phải các chính sách kinh tế đang ảnh hưởng nhiều hơn đến thị trường chứng khoán.
Dưới đây là một ví dụ thực tế về việc giải thích hệ số tương quan. Hệ số tương quan của các cổ phiếu thuộc S&P 500 đã giảm xuống 0,23 vào tháng 11 năm 2019, mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2019 (khi hệ số tương quan cao nhất vì lo ngại chiến tranh thương mại ngày càng tăng). Hệ số tương quan trung bình trong 5 năm là 0,30 (Nguồn: Wall Street Journal, ngày 25 tháng 11 năm 2019).
Cố gắng dự đoán hướng và giá của cổ phiếu là một quá trình phức tạp. (Không ai có thể dự đoán chính xác cổ phiếu sẽ di chuyển như thế nào. Mọi khoản đầu tư đều mang rủi ro.) Hệ số tương quan có thể là một công cụ hữu ích mà các nhà đầu tư có thể sử dụng trong phân bổ tài sản và trong khi chọn cổ phiếu.
Đa dạng hóa – có nhiều tài sản và chứng khoán khác nhau – là một trong những cách để nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro cho danh mục của họ. Đa dạng hóa không phải là một chiến lược hoàn hảo, nhưng nó có thể hạn chế tổn thất. Chìa khóa trong đa dạng hóa là chọn các khoản đầu tư không di chuyển cùng nhau hoặc thậm chí di chuyển ngược chiều nhau. Do đó, biết được hệ số tương quan giữa các cổ phiếu hoặc tài sản mà bạn sở hữu hoặc muốn đầu tư vào có thể sẽ giúp ích.
Nếu phần lớn các cổ phiếu trong danh mục đầu tư của bạn có hệ số tương quan dương, chúng sẽ có xu hướng giảm và tăng giá cùng nhau. Ví dụ, nếu bạn chỉ đầu tư vào các cổ phiếu công nghệ, danh mục đầu tư của bạn có thể tăng lên khi lĩnh vực công nghệ đang có hiệu suất tốt. Nhưng nếu lĩnh vực này không có hiệu suất tốt, giá trị danh mục đầu tư của bạn sẽ giảm mạnh vì bạn không đa dạng hóa.
Thêm các cổ phiếu có hệ số tương quan âm và thấp vào danh mục đầu tư hiện tại của bạn có thể hoạt động như một yếu tố cân bằng và giúp giảm rủi ro.
Cũng giống như việc lựa chọn cổ phiếu, nhà đầu tư cũng có thể đa dạng hóa bằng cách đầu tư vào các loại tài sản khác nhau. Bằng cách đầu tư vào các tài sản có hệ số tương quan âm hoặc thấp trong quá khứ, chẳng hạn như cổ phiếu và trái phiếu, họ có thể giảm rủi ro hơn nữa cho danh mục đầu tư của mình.
Tuy nhiên, đa dạng hóa danh mục đầu tư của bạn với sự hỗ trợ của hệ số tương quan có ưu và nhược điểm của nó. Nhà đầu tư có thể nhận được lợi nhuận mượt mà hơn (giá trị danh mục không tăng hoặc giảm mạnh), nhưng bạn cũng đang hạn chế khả năng tăng giá trị của danh mục.
Lợi nhuận dương trên thị trường chứng khoán không bao giờ được đảm bảo. Có một danh mục đầu tư đa dạng thường được coi là một chiến lược đầu tư đúng đắn. Tất cả mọi khoản đầu tư đều đi kèm với rủi ro. Hãy luôn ghi nhớ mục tiêu đầu tư và khả năng chấp nhận rủi ro của bạn.
Huân Hà - Theo learn.robinhood.com