logo
Theo dõi investo trên google news

thứ ba, 20/06/2023

EBIT là gì? Cách tính và ứng dụng chỉ số EBIT vào đầu tư chứng khoán

EBIT là chỉ số dùng để đo lường hiệu quả kinh doanh của công ty trước khi tính đến các khoản thuế và lãi vay. Dựa vào EBIT, nhà đầu tư có thể thấy khả năng sinh lời của công ty và so sánh hiệu suất giữa các doanh nghiệp. Để hiểu thêm về EBIT là gì, vai trò của ứng dụng của EBIT trong đầu tư chứng khoán, hãy xem ngay bài viết sau.

Chỉ số EBIT là gì?

EBIT (viết tắt của Earnings Before Interest and Taxes), còn được gọi là lợi nhuận trước lãi vay và thuế. Đây là chỉ số dùng để đo lường khả năng thu lại lợi nhuận của công ty trước khi trừ đi các khoản chi phí lãi vay và thuế. 

Trong đó, lãi vay liên quan đến cấu trúc vốn, bao gồm các khoản nợ và chi phí lãi vay. Thuế liên quan đến yếu tố thuế và các ưu đãi đặc thù mà công ty có thể được hưởng. Vì vậy, giá trị của EBIT sẽ không bị ảnh hưởng bởi cấu trúc tài chính (nợ), cũng như các khoản thuế. Dựa vào kết quả của chỉ số EBIT là gì, nhà đầu tư có thể đo lường hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty.

EBIT là gì? EBIT là gì? Đây là chỉ số dùng để đo lường khả năng sinh lời của doanh nghiệp trước khi tính đến lãi vay và thuế

Ý nghĩa và vai trò của chỉ số EBIT  

Chỉ số EBIT có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả kinh doanh của một công ty. Nhà đầu tư cần hiểu rõ ý nghĩa của EBIT là gì để nắm được tình hình hoạt động của công ty. Từ đó đưa ra các quyết định đầu tư chính xác và hiệu quả hơn.

Đo lường hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty

Chỉ số EBIT tập trung vào lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất và cung cấp dịch vụ của công ty. Chỉ số này loại bỏ ảnh hưởng của các yếu tố thuế và cấu trúc tài chính. Qua đó cho biết mức độ sinh lời của công ty từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Nhà đầu tư có thể dựa vào chỉ số này để đánh giá hiệu suất và khả năng tạo ra lợi nhuận từ sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty.

So sánh với các công ty cùng ngành

Thông qua EBIT, nhà đầu tư có thể so sánh hiệu suất kinh doanh của một công ty với các đối thủ cùng ngành. Kết quả này sẽ không bị xê dịch bởi những khác biệt trong cấu trúc tài chính hay thuế. Vì vậy có thể đưa ra cái nhìn tổng quan và công bằng hơn về hiệu suất của từng công ty. 

Bằng cách so sánh EBIT, nhà đầu tư cũng xác định được khả năng cạnh tranh, vị thế của công ty trên thị trường. Nếu công ty có lợi nhuận trước thuế và lãi vay cao hơn đối thủ, cho thấy công ty có khả năng tạo ra lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi tốt hơn. Đây có thể là một lợi thế cạnh tranh và đáng để cân nhắc góp vốn.

EBIT la gi Chỉ số EBIT giúp nhà đầu tư đánh giá được khả năng cạnh tranh của công ty

Đánh giá khả năng tạo lợi nhuận

Việc so sánh EBIT giữa các kỳ sẽ giúp nhà đầu tư đánh giá được khả năng tạo lợi nhuận của công ty trong tương lai. Nếu EBIT tăng theo thời gian, điều này cho thấy công ty có khả năng tăng trưởng và cải thiện hiệu quả hoạt động.

Đánh giá khả năng trả lãi vay

EBIT có thể dùng để đánh giá khả năng trả nợ của công ty bằng tỷ số EBIT/Lãi vay. Nếu tỷ suất này cao, tức là công ty có mức sinh lời ổn định và khả năng trả lãi vay tốt. Nhà đầu tư có thể yên tâm về tình hình tài chính của công ty. Ngược lại, nếu tỷ suất này thấp, có vẻ công ty đang gặp rủi ro tài chính nên khó khăn trong việc trả lãi vay.

Cơ sở để tính các chỉ số khác

Dựa vào kết quả của EBIT là gì, nhà đầu tư có thể làm cơ sở để tính toán các chỉ số tài chính khác. Điển hình như EBITDA (Earnings Before Interest, Taxes, Depreciation, and Amortization), EBIT Margin và Interest Coverage Ratio.

  • EBITDA: Đánh giá khả năng sinh lời từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty mà không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố lãi vay, thuế, khấu hao, khấu trừ.
  • EBIT Margin: Tỷ lệ lợi nhuận trước khi tính thuế và lãi suất so với doanh thu, cho thấy khả năng tạo ra lợi nhuận từ mỗi đơn vị doanh thu.
  • Interest Coverage Ratio (ICR): Đo lường khả năng chi trả các khoản nợ của công ty bằng cách chia lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) cho lãi vay.
ebit Kết hợp EBIT với các chỉ số khác để có cái nhìn toàn diện hơn về hiệu suất hoạt động của công ty

Công thức tính EBIT trong chứng khoán 

Để tính lợi nhuận trước thuế và lãi vay của công ty, nhà đầu tư có thể áp dụng công thức EBIT như sau:

EBIT = Tổng doanh thu - Chi phí hoạt động

Tuy nhiên, trong các báo cáo tài chính, chi phí lãi vay thường được gộp chung trong chi phí tài chính. Do đó sẽ gây khó khăn trong việc tính toán chính xác chi phí hoạt động. Trong trường hợp này, nhà đầu tư có thể áp dụng công thức tính EBIT như sau:

EBIT = Lợi nhuận trước thuế + Chi phí lãi vay

EBIT = Lợi nhuận sau thuế + Chi phí lãi vay + Thuế thu nhập doanh nghiệp

Ngoài ra còn có cách tính EBIT khác nếu như không tìm thấy chi phí lãi vay trong báo cáo tài chính như sau:

EBIT = Lợi nhuận gộp - Chi phí bán hàng - Chi phí quản lý doanh nghiệp

Để dễ hiểu hơn, nhà đầu tư có thể tham khảo ví dụ về công thức tính EBIT sau đây: 

ebit formula Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý I/2023 của Tập đoàn Vingroup

Dựa vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý I/2023 của Tập đoàn Vingroup, có thể thấy được:

Chi phí lãi vay trong quý I/2023 là: 3.331.489 triệu VNĐ

Lợi nhuận kế toán trước thuế trong quý I/2023 là: 4.264.286 triệu đồng.

Như vậy, có thể tính được chỉ số EBIT của Tập đoàn Vingroup trong quý I/2023 là:

EBIT = 3.331.489 + 4.264.286 = 7.595.777 triệu VNĐ

Ứng dụng của chỉ số EBIT trong đầu tư chứng khoán

Tính toán EBIT Margin

EBIT Margin (tỷ suất lợi nhuận trước lãi suất và thuế) là chỉ số tài chính được sử dụng để đo lường mức độ tạo ra lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của công ty trước khi tính đến lãi suất và thuế. Chỉ số này cho biết tỷ lệ phần trăm của EBIT so với doanh thu tổng.

Công thức EBIT Margin được tính toán như sau:

EBIT Margin = (EBIT / Doanh thu thuần) x 100

Trong đó:

  • EBIT (Earnings Before Interest and Taxes) là lợi nhuận trước thuế và lãi vay của công ty.
  • Doanh thu là tổng giá trị các khoản thu từ hoạt động kinh doanh của công ty trong một kỳ kế toán.

Thông qua EBIT Margin, nhà đầu tư có thể đánh giá hiệu suất kinh doanh của công ty so với doanh thu. Nếu EBIT Margin cao, tức là công ty có khả năng tạo ra lợi nhuận tốt từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình. Thông thường, nếu EBIT Margin của công ty luôn trên 15% và duy trì qua các năm thì được xem là có hoạt động kinh doanh tốt.

Tuy nhiên, cần phải cân nhắc và so sánh EBIT Margin với các công ty cùng ngành hoặc lĩnh vực để có cái nhìn tổng quan nhất về hiệu suất. Đồng thời kết hợp với các chỉ số khách để đảm bảo kết quả so sánh là chuẩn xác.

cách tính ebit Chỉ số EBIT Margin cho biết với một đồng doanh thu thuần thì công ty tạo ra được bao nhiêu đồng lợi nhuận trước thuế và lãi vay

Mô hình Dupont 5 nhân tố

Dupont 5 nhân tố là một trong những mô hình được giới đầu tư ưa chuộng sử dụng để đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty. Chúng ta có thể áp dụng mô hình Dupont 5 nhân tố vào việc phân tích mối quan hệ giữa ROE và EBIT là gì. 

ROE (Return On Equity) là chỉ số tài chính quan trọng, được sử dụng để đánh giá hiệu suất hoạt động của một công ty. ROE đo lường khả năng tạo ra lợi nhuận của mỗi đơn vị vốn chủ sở hữu. Chỉ số này chịu ảnh hưởng bởi tổng của 5 yếu tố sau đây:

Hệ số gánh nặng thuế

Công thức tính hệ số gánh nặng thuế sẽ bằng lợi nhuận sau thuế chia cho lợi nhuận trước thuế. Hệ số này thể hiện mức thuế thu nhập doanh nghiệp có ảnh hưởng như thế nào đến lợi nhuận sau thuế. Mức thuế cao sẽ giảm lợi nhuận sau thuế và làm giảm ROE. Ngược lại, mức thuế thấp thì ROE càng cao. 

Hệ số gánh nặng lãi vay

Hệ số gánh nặng lãi vay được tính bằng cách lấy lợi nhuận trước thuế chia cho giá trị EBIT. Chúng thể hiện mức độ sử dụng vốn vay của công ty. Nếu công ty không có quá nhiều nợ vay thì hệ số này càng cao, làm tăng ROE.

EBIT Margin

Như đã đề cập ở trên, giá trị EBIT Margin thể hiện mức độ hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của công ty. Được tính bằng cách lấy EBIT chia cho doanh thu thuần. Khi EBIT Margin cao, công ty có khả năng sinh lợi nhuận tốt từ hoạt động kinh doanh, ROE cũng tăng lên.

Doanh thu thuần/Tổng tài sản bình quân

Tỷ lệ này cho biết mức độ hiệu quả của việc sử dụng tài sản của công ty để tạo ra doanh thu. Nếu công ty tạo ra doanh thu thuần cao với đầu tư tài sản tương đối thấp, ROE sẽ tăng.

Tài sản bình quân/Vốn chủ sở hữu bình quân

Hệ số này cho biết mức độ vay vốn của công ty để duy trì hoạt động kinh doanh. Chúng còn được tính bằng công thức (1 + Nợ phải trả bình quân/Vốn chủ sở hữu bình quân). Công ty cần sử dụng đòn bẩy tài chính hợp lý sẽ làm ROE tăng cao hơn so với không dùng đòn bẩy.

công thức tính ebit Dựa vào mô hình Dupont 5 nhân tố để phân tích mối quan hệ giữa ROE và EBIT là gì

Khả năng thanh toán lãi vay của công ty

Chỉ số EBIT cũng có thể được dùng để đánh giá khả năng trả lãi vay của công ty từ khoản lợi nhuận thu được nhờ hoạt động kinh doanh.

Khả năng thanh toán lãi vay của công ty = EBIT / Chi phí lãi vay

Nếu giá trị của hệ số khả năng thanh toán lãi vay càng lớn, đồng nghĩa với việc công ty đang kinh doanh tốt. Nhờ vậy mà có đủ khả năng để thanh toán các khoản lãi vay của mình. 

Ngược lại, nếu EBIT/Lãi vay có giá trị thấp, nghĩa là doanh nghiệp vay nợ nhiều nhưng không thể trả đúng hạn. Nguyên nhân có thể là do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, dẫn đến lợi nhuận thấp.

Định giá cổ phiếu bằng chỉ số EV/EBIT

Chỉ số lợi nhuận trước thuế và lãi vay EBIT còn được ứng dụng trong việc tính toán chỉ số EV/EBIT - định giá công ty trên thu nhập trước thuế và lãi vay. Chỉ số này sẽ giúp nhà đầu tư có thể xác định được giá trị của công ty. 

EV/EBIT = Giá trị công ty EV / Lợi nhuận trước lãi vay và thuế EBIT

Trong đó, EV là giá trị của công ty, không bao gồm cơ cấu vốn và tiền mặt. Công thức tính EV như sau:

EV = Vốn hóa thị trường + Tổng nợ - Tổng tiền và các khoản tương đương tiền

Vậy, ý nghĩa của chỉ số EV/EBIT là gì? Nếu chỉ số EV/EBIT thấp, cho thấy công ty có khả năng tạo ra lợi nhuận tốt hơn so với giá trị định giá. Công ty đang được định giá hấp dẫn, nên cân nhắc mua lại. Nếu EV/EBIT cao, cho thấy công ty đang được định giá cao so với khả năng tạo lợi nhuận. Nhà đầu tư có thể mất nhiều thời gian hơn để có thể hoàn lại số vốn bỏ ra để mua công ty.

ebit công thức Sử dụng EV/EBIT có thể giúp nhà đầu tư biết được cần bao lâu để bù đắp khoản chi phí mua lại công ty

Mối quan hệ giữa EBIT và EPS 

EBIT là chỉ số đo lường hiệu suất kinh doanh cốt lõi của công ty, không tính đến các yếu tố tài chính như lãi vay và thuế. Trong khi đó, chỉ số EPS đo lường lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của công ty, tức lợi nhuận được chia sẻ cho mỗi cổ phiếu. Vậy, mối quan hệ giữa tỷ suất lợi nhuận trên cổ phần EPS với EBIT là gì?

EPS = ((EBIT - I) x (1 - t) - PD)/NS

Trong đó: 

  • I là lãi mà công ty phải trả hàng năm
  • t là thuế suất 
  • PD là khoản cổ tức mà công ty phải trả cho cổ phiếu ưu đãi.
  • NS là số lượng cổ phiếu thường.

Hoặc cũng có thể tính được giá trị của EBIT là gì thông qua chỉ số EPS như sau:

EBIT = (EPS x Số cổ phần phổ thông xuất sắc) + Cổ tức ưu đãi cổ phần / ((1 – Thuế suất thuế TNDN) + Lợi tức nợ nần)

Như vậy, nếu giá trị EBIT tăng thì tỷ suất EPS cũng sẽ tăng theo. Điều này cho thấy khả năng sinh lời của cổ phiếu càng cao. Nhà đầu tư có thể lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu này để thu lợi nhuận.

Kết luận

Hy vọng với những chia sẻ về chỉ số EBIT là gì trên đây đã giúp nhà đầu tư hiểu rõ về ý nghĩa, cách tính và ứng dụng của chỉ số này. Qua đó có cái nhìn tổng quan nhất khi đánh giá khả năng tạo ra lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty. Đồng thời có thể so sánh và đánh giá hiệu suất của các công ty trong cùng ngành. Chúc nhà đầu tư có thể đưa ra các quyết định thông minh và tăng khả năng thành công!

Huỳnh Hà

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến