logo
Theo dõi investo trên google news

thứ hai, 23/05/2022

Đầu tư 101+: kinh tế học Keynes là gì?

Định nghĩa:

Kinh tế học Keynes xem nhu cầu là động lực thúc đẩy của nền kinh tế và lập luận rằng chính phủ cần phải ra quyết định hành động, chẳng hạn như chi tiền và cắt giảm thuế, để kích thích nền kinh tế khi suy thoái.

investo - dautu - 220523

Tìm hiểu về kinh tế học Keynes

Dựa trên những ý tưởng của nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes, kinh tế học Keynes coi nhu cầu tổng thể (tổng cầu) là động lực cơ bản của nền kinh tế thị trường. Khi một nền kinh tế rơi vào suy thoái, các nhà kinh tế học theo trường phái Keynes tin rằng chính phủ có trách nhiệm phải can thiệp. Họ nhất trí rằng các nền kinh tế thị trường có thể tự điều tiết thông qua các lực cung và cầu, nhưng chỉ ở một mức độ nào đó. Keynes lập luận rằng trong một cuộc suy thoái, nền kinh tế thị trường không thể tự điều chỉnh đủ nhanh, bởi vì giá cả và tiền lương cần có thời gian để điều chỉnh. Ông tin rằng, trong thời kỳ suy thoái kinh tế, chính phủ có thể chìa bàn tay giúp đỡ thông qua các chính sách tài khóa, chẳng hạn như tăng chi tiêu hoặc cắt giảm thuế. Điều này sẽ làm tăng tổng cầu, do đó sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Một khi nền kinh tế khỏe mạnh trở lại, chính phủ có thể tăng thuế để thu hồi nợ.

Ví dụ:

Cuộc Đại Suy thoái, kéo dài từ tháng 12/2007 đến tháng 06/2009, là quá trình suy thoái kinh tế tồi tệ nhất mà nước Mỹ từng trải qua kể từ cuộc Đại Khủng hoảng. Người tiêu dùng mất sạch niềm tin và mức chi tiêu cho đầu tư giảm xuống. Giá nhà ở giảm mạnh, quỹ hưu trí teo tóp và tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến. Các quan chức chính phủ khi đó bắt đầu tìm kiếm các giải pháp thông qua lăng kính của Keynes. Vào tháng 02/2009, Tổng thống Barack Obama đã ký Đạo luật Phục hồi và Tái đầu tư nước Mỹ, tức là một gói kích thích trị giá 787 tỷ USD được thiết kế để thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, bảo vệ việc làm và tạo ra công ăn việc làm mới. Đến năm 2010, thị trường lao động ="color: #000000;" đã phục hồi 8,7 triệu việc làm. Các nhà kinh tế vẫn tranh cãi về việc liệu Đạo luật Phục hồi có hiệu quả hay không, nhưng hầu hết đều đồng ý rằng đến năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp đã thấp hơn so với khi không có gói kích thích.

Bài học

Kinh tế học Keynes cũng giống như cặp nạng cho các nhà tư bản…

Mặc dù nền kinh tế thị trường có thể tự điều chỉnh trong hầu hết các tình huống, nhưng đôi khi nền kinh tế sẽ bị tổn thương và không thể tự chữa lành. Keynes đã đề xuất các biện pháp khắc phục tạm thời khi nền kinh tế gặp khó khăn trong suy thoái. Ông cho rằng nguồn vốn chi tiêu của chính phủ có thể giúp duy trì nền kinh tế thị trường cho đến khi chúng đủ mạnh để tự đứng vững. Khi nền kinh tế khỏe mạnh trở lại, chính phủ có thể tăng thuế và thu lại tiền.

20220523-Investo-Robinhood-Pham Dang Khoa (keynesian economics_series 101) pic 2.jpg

Kinh tế học Keynes là gì?

Kinh tế học Keynes là một trường phái tư tưởng cho rằng tổng cầu (tổng mức chi tiêu của người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ) là động lực chính trong nền kinh tế thị trường. Nếu nhu cầu giảm và nền kinh tế rơi vào suy thoái, sản lượng sản xuất hàng hóa và dịch vụ sẽ giảm, từ đó dẫn đến thất nghiệp hàng loạt.

Trước khi kinh tế học Keynes ra đời, các nhà kinh tế cổ điển cho rằng, nếu nhu cầu giảm và nền kinh tế rung lắc, giá cả và tiền lương cuối cùng cũng sẽ giảm xuống và khôi phục trạng thái cân bằng của="color: #000000;" . Nói cách khác, thị trường sẽ tự điều chỉnh mà không có bất kỳ ảnh hưởng nào từ bên ngoài.

Các nhà kinh tế học theo trường phái Keynes lại không đồng ý với điều đó. Họ lập luận rằng giá cả và tiền lương là "cố định", không điều chỉnh nhanh như vậy. Nếu nhu cầu tiếp tục giảm, giá sẽ không thể giảm nữa vì các công ty sẽ ngừng kinh doanh. Không phải lúc nào tiền lương cũng bị cắt giảm. Nếu người tiêu dùng vẫn không mua ở mức giá thấp nhất, sản lượng sẽ giảm và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên. Khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, nhu cầu sẽ tiếp tục giảm, và nền kinh tế sẽ tiếp tục co lại.

Theo Keynes, khi các lực lượng tự nhiên của nền kinh tế bị suy sụp, chính phủ nên hướng sự tập trung vào chính sách tài khóa (cắt giảm thuế và chi tiêu của các cơ quan chính phủ) để kích thích hoạt động kinh tế, tránh cho nền kinh tế sụp đổ và đảm bảo phúc lợi xã hội của người dân.

Nếu có suy thoái, Keynes cho rằng chính phủ nên áp dụng phương án bội chi ngân sách (bằng cách đi vay thay vì đánh thuế) để tăng nhu cầu tiêu dùng và kích thích tăng trưởng kinh tế. Sau đó, khi xã hội khôi phục trạng thái toàn dụng lao động trở lại và nền kinh tế mạnh lên, chính phủ có thể tăng thuế để trả nợ.

Mô hình Keynes cũng xét đến đặc tính không thể đoán trước của tâm lý con người, đây là điều mà lý thuyết kinh tế cổ điển bỏ qua. Ý tưởng ở đây là mọi người sẽ ngừng chi tiêu nếu họ cảm thấy bi quan về nền kinh tế, mà điều này lại góp phần gây ra suy thoái kinh tế. Kế hoạch chi tiêu của chính phủ có thể khôi phục niềm tin và giúp kích thích nhu cầu và chi tiêu tiêu dùng, qua đó sẽ làm tăng cả sản lượng và việc làm để khởi đầu một giai đoạn đi lên của chu kỳ kinh tế (bản chất thăng trầm tự nhiên của nền kinh tế tư bản).

Lịch sử lý thuyết Keynes

Kinh tế học Keynes là sản phẩm trí tuệ của nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes, người đã quan sát thấy hậu quả từ cuộc Đại Khủng hoảng vào những năm 1930 và cố gắng đưa ra giải pháp. Khi Keynes xuất bản “Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ” vào năm 1936, triết lý kinh tế thời đó chính là lý thuyết cổ điển của chủ nghĩa tư bản về thị trường tự do.

Kinh tế học Keynes và kinh tế học cổ điển

Lý thuyết kinh tế học cổ điển dựa trên ý tưởng của nhà triết học người Scotland Adam Smith, cha đẻ của kinh tế học tự do (phản đối hầu hết sự can thiệp của chính phủ vào thị trường).

Adam Smith đã xuất bản cuốn “Của cải của các Quốc gia” (The Wealth of Nations) vào năm 1776, cùng năm mà các nhà khai quốc Hoa Kỳ soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập. Các lý thuyết của ông đã ảnh hưởng đến nhóm quốc phụ này trong việc thành lập một chính phủ hạn chế cho nước Mỹ.

Các nhà kinh tế học cổ điển tin rằng người tiêu dùng và nhà sản xuất đưa ra quyết định dựa trên tư lợi, điều này thúc đẩy hoạt động giao dịch tự nguyện trong nền kinh tế thị trường tự do. Cung và cầu, tức là số lượng sản phẩm có sẵn và số lượng người mua mong muốn sở hữu chúng, tự chúng sẽ thiết lập các mức giá và sản lượng sản xuất.

Khi nền kinh tế biến động, các lực lượng thị trường tự nhiên, hay “bàn tay vô hình” của thị trường, cho phép nền kinh tế tự điều tiết thông qua cạnh tranh (các công ty tranh giành khách hàng với nhay) và quy luật cung cầu mà không cần chính phủ can thiệp.

Lý thuyết cổ điển phụ thuộc vào ý tưởng cho rằng giá cả và tiền lương là đại lượng linh hoạt. Lý thuyết này nêu rằng khi nhu cầu tăng, giá cả và tiền lương sẽ tăng để đáp ứng nhu cầu, và ngược lại khi nhu cầu giảm. Giống như các nhà lý thuyết cổ điển, Keynes tin rằng, về lâu dài, thị trường có thể tự cân bằng một cách tự nhiên. Nhưng ông cũng từng có câu nói nổi tiếng rằng, “Về lâu dài, tất cả chúng ta đều chết”. Ông ủng hộ việc kích thích bằng con đường tài khóa khi bàn tay vô hình của thị trường chưa thể phát huy tác dụng.

Theo lý thuyết của Keynes, giá cả và tiền lương là “cố định” (không dễ thay đổi). Khi nhu cầu tiếp tục giảm, có một thời điểm mà giá không thể giảm nữa nếu các công ty ngừng kinh doanh. Nếu người tiêu dùng vẫn không mua ở mức giá thấp nhất, sản lượng sẽ giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Nền kinh tế khi đó sẽ thu hẹp, bàn tay vô hình của thị trường sẽ trở nên bất lực.

Keynes nói rằng đó là lúc chính phủ nên can thiệp vào để kích thích hoạt động kinh tế, tránh sụp đổ nền kinh tế và hỗ trợ công dân của mình.

Kinh tế học Keynes và cuộc Đại Khủng hoảng

Kinh tế học Keynes ra đời trong cuộc Đại Khủng hoảng vào những năm 1930. Tổng thống Franklin D. Roosevelt được người dân Mỹ đời đời nhớ ơn vì đã thiết kế các chính sách Kinh tế mới dựa trên lý thuyết Keynes để giải cứu nền kinh tế, nhưng điều này không hoàn toàn chính xác. Tổng thống Roosevelt thực ra chú tâm nhiều hơn về việc cân bằng ngân sách, nhưng ưu tiên hàng đầu của ông là khôi phục niềm tin đối với nền kinh tế. Ông đã tạo ra các chương trình việc làm, điều chỉnh lãi suất và cung cấp các khoản trợ cấp cho nông dân.

Đến năm 1937, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm xuống khi nền kinh tế mạnh lên. Nhưng Tổng thống Roosevelt đã tiết chế chi tiêu quá sớm để cân bằng ngân sách, và nền kinh tế rơi vào thời kỳ Suy thoái Roosevelt từ năm 1937 đến năm 1938. Vị tổng thống này đã thay đổi hướng đi và tiếp tục bội chi trong suốt Thế chiến II, trong khi những nỗ lực ở quê nhà ông trong suốt cuộc chiến cũng đã giúp thúc đẩy nền kinh tế bằng cách kích thích ngành công nghiệp. Các chương trình của chính phủ Mỹ như An sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và tem phiếu thực phẩm từng được áp dụng theo chính sách Kinh tế mới vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Keynes và Friedrich Hayek

Nhà kinh tế học người Áo Friedrich Hayek tin rằng chính sách Kinh tế mới là không bền vững. Ông cảm thấy rằng các chính sách của Keynes sẽ dẫn đến lạm phát (tình trạng gia tăng giá cả trên tổng thể, làm giảm sức mua của đồng tiền). Hayek tin rằng bàn tay can thiệp của chính phủ đã xâm phạm quyền tự do của người dân và kém hiệu quả.

Quyển sách “Đường trở về nô lệ” (Road to Serfdom) của Hayek trên tạp chí Reader’s Digest vào năm 1945 đã đánh thẳng vào chủ nghĩa cá nhân của người Mỹ. Cuốn sách này đã lặp lại những cảnh báo về nỗi lo gốc rễ của những nhà lập quốc Hoa Kỳ, cụ thể là mối nguy hiểm chực chờ khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed), tức ngân hàng trung ương của nước Mỹ, có quá nhiều quyền lực. Năm 1950, Hayek đến làm việc tại Đại học Chicago, cái nôi của tư tưởng kinh tế tân tự do. Theo chủ nghĩa tân tự do, bàn tay can thiệp của chính phủ sẽ khiến thị trường biến dạng.

Keynes và Milton Friedman

Một số lý thuyết của Hayek đã được nhà kinh tế học người Mỹ Milton Friedman tiếp nối. Nhưng trong khi Hayek ủng hộ luận điểm không nên để cho chính phủ can thiệp, thì Friedman lại thúc đẩy chính sách tiền tệ có kiểm soát (quản lý nguồn cung tiền). Friedman lập luận rằng, nếu Cục Dự trữ Liên bang thực hiện nhiệm vụ của họ tốt hơn, cuộc Đại Khủng hoảng đã không xảy ra.

Quan điểm của Friedman gắn liền với lý thuyết kinh tế của chủ nghĩa trọng tiền, tức chủ nghĩa ủng hộ việc kiểm soát lượng tiền được bơm vào nền kinh tế. Theo lý thuyết của ông, tất cả những gì chính phủ cần làm là tác động đến giá cả và sản lượng bằng cách gây ảnh hưởng đến nguồn cung tiền để ngăn chặn một đợt suy thoái khác. Mặt khác, ông cho rằng nếu chính phủ chi tiêu quá nhiều sẽ dẫn đến lạm phát và thất nghiệp.

Kinh tế học trọng cầu và kinh tế học trọng cung

Vào những năm 1970, lạm phát ở Mỹ tăng cao, sản lượng đình trệ và tỷ lệ thất nghiệp cao. Khi đó, một kiểu khủng hoảng kinh tế mới đã xuất hiện, hay còn gọi là “lạm phát đình trệ” hoặc “đình lạm” (lạm phát cộng với đình trệ). Trước kịch bản lạm phát đình trệ, kinh tế học Keynes đã bộc lộ ngay yếu điểm.

Phương án bơm tiền để giảm tỷ lệ thất nghiệp bằng cách tăng tổng cầu sẽ làm tăng giá cả. Nếu nền kinh tế đã bị lạm phát mà cứ mãi in tiền thì sẽ chỉ càng làm phát sinh siêu lạm phát. Friedman cho rằng lạm phát đình trệ đã vạch ra cái sai của kinh tế học Keynes. Trong suốt những năm 1970, cả ý tưởng của Hayek và Friedman đều trở nên thịnh hành.

Trọng tâm của Keynes vào chương trình chi tiêu của chính phủ thông qua vay nợ và thái độ ngờ vực của Hayek vào khả năng định hướng nền kinh tế của chính phủ đã sinh ra các trường phái tư tưởng kinh tế đối lập nhau. Lý thuyết Keynes được gọi là kinh tế học trọng cầu. Còn kinh tế học trọng cung phát triển từ ý tưởng của Hayek và Friedman.

Các nhà kinh tế trọng cung sẽ tập trung ủng hộ cắt giảm quy định và cắt giảm thuế doanh nghiệp để kích thích tăng trưởng. Nếu các doanh nghiệp có nhiều tiền hơn để đầu tư, họ có thể thuê thêm lao động và tăng sản lượng, điều này sẽ kích thích nền kinh tế. Kinh tế học trọng cung đã trở thành xu hướng chủ đạo vào những năm 1980 dưới thời “kinh tế học nhỏ giọt” của Tổng thống Ronald Reagan với chủ trương bãi bỏ bớt quy định và cắt giảm thuế doanh nghiệp.

Cuộc Đại suy thoái sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã đưa kinh tế học Keynes lên ngôi trở lại. Các nhà kinh tế hàng đầu đã nhìn lại cuộc Đại Khủng hoảng để cân nhắc những gì cần làm. Cục Dự trữ Liên bang khi đó đã hạ lãi suất ngắn hạn để cố gắng kích thích nền kinh tế thông qua chính sách tiền tệ. Đạo luật Phục hồi và Tái đầu tư của Mỹ với chức năng tăng chi tiêu cho giáo dục, cơ sở hạ tầng, y tế và năng lượng tái tạo, là một ví dụ điển hình về chính sách tài khóa mở rộng.

Những đặc điểm quan trọng của kinh tế học Keynes

Tổng cầu

Các nhà kinh tế học cổ điển tin rằng từ cung mới tự tạo ra cầu. Nếu cầu giảm, giá cả và tiền lương sẽ giảm. Khi giá giảm, mọi người vẫn tiếp tục chi tiêu, điều này kích thích sản xuất và thúc đẩy nhu cầu. Nhưng Keynes chỉ ra rằng giá cả và tiền lương sẽ không điều chỉnh đủ nhanh, vì vậy tổng cầu giảm sẽ dẫn đến giảm sản lượng. Đối với Keynes, cầu sẽ tự tạo ra cung.

Tổng cầu là tổng mức chi tiêu cho tất cả hàng hoá và dịch vụ được sản xuất trong nền kinh tế trong một khoảng thời gian. Tổng cầu có thể được chia thành bốn nhóm chính:

  • Chi tiêu tiêu dùng
  • Chi đầu tư
  • Chi tiêu của chính phủ
  • Xuất khẩu ròng (xuất khẩu trừ nhập khẩu)

Nếu bất kỳ thành phần nào trong bốn thành phần này thay đổi thì sẽ có thể ảnh hưởng đến tổng cầu hoặc tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Lý thuyết của Keynes là việc chính phủ bội chi sẽ làm tăng tổng cầu khi ba thành phần còn lại không đủ mạnh, và điều này có thể đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái.

Bẫy thanh khoản

Khi nền kinh tế suy thoái, mọi người sẽ cảm thấy bi quan về tình trạng của nền kinh tế và cố sống thắt lưng buộc bụng. Khi mọi người chi tiêu ít hơn, tổng cầu sẽ giảm. Khi quyết định hạ lãi suất không khiến cho người dân và doanh nghiệp có hứng thú đi vay vì họ đã mất niềm tin, thì đó được gọi là bẫy thanh khoản. Về cơ bản, chính sách tiền tệ không còn tác dụng nữa.

Hiệu ứng số nhân

Hiệu ứng số nhân giải thích vì sao khi tăng chi tiêu tiêu dùng, chi tiêu đầu tư hoặc chi tiêu chính phủ thì có thể giúp kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách tăng tổng cầu. Ví dụ, khi chính phủ chi tiền ra thì sẽ có người nào đó được trả tiền. Người đó tiết kiệm số tiền mặt nhận được và chi tiêu phần còn lại. Khoản chi tiêu của họ trở thành thu nhập của người khác, người này cũng tiết kiệm lại một ít và chi tiêu một ít, v.v. Khoản chi tiêu ban đầu của chính phủ gây ra hiệu ứng gợn sóng trong toàn bộ nền kinh tế, dẫn đến tổng mức chi tiêu trở nên nhiều hơn.

Nghịch lý tiết kiệm

Nếu người dân nghĩ rằng nền kinh tế đang trở nên tồi tệ và họ có thể mất việc làm, họ sẽ ngừng chi tiêu và tích trữ tiền. Khi người tiêu dùng chi tiêu ít hơn, các công ty sẽ mất doanh thu và sa thải nhân viên. Những người lao động thất nghiệp sẽ không có thu nhập nên họ sẽ ngừng chi tiêu. Có một nghịch lý là càng nhiều người khư khư ôm tiền vì sợ hãi, thì nền kinh tế càng trở nên tồi tệ hơn, và kết quả là gây ra nhiều tác hại hơn.

Tinh thần động vật

Kinh tế học Keynes chú trọng vào việc diễn giải tâm lý con người, mà Keynes gọi là “tinh thần động vật”. Ông cho rằng những thay đổi về sự tự tin và tâm lý bầy đàn có thể giúp giải thích tại sao các nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái rồi lại phục hồi, bất kể các yếu tố kinh tế đằng sau là gì. Khi mọi người mất niềm tin vào nền kinh tế, họ sẽ ngừng chi tiêu. Khi họ cảm thấy rằng nền kinh tế đang tiến triển tốt, họ sẽ tích cực chi tiêu và đầu tư ="color: #000000;" . Tinh thần động vật có thể tạo ra những lời tiên tri tự ứng nghiệm cho nền kinh tế nói chung.

Đăng Khoa - Theo learn.robinhood.com

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến