Hãy tưởng tượng bạn có cơ hội tắt chức năng “bạn lúc làm việc” hoặc “bạn lúc ở nhà” theo đúng nghĩa đen khi bạn rời khỏi một trong hai môi trường.
Series phim Severance (Cắt rời ký ức) được trình chiếu trên Apple TV + cho phép các nhân viên tại một công ty hư cấu làm được điều đó. Họ có thể tham gia vào một quy trình gây nhiều tranh cãi để tách cuộc sống công việc với cuộc sống cá nhân của họ.
Trong giờ làm việc, tất cả với họ chỉ là công việc, không hề có một chút ký ức gì về thế giới bên ngoài văn phòng. Ngược lại, hết giờ làm, họ bỏ lại toàn bộ công việc ở phía sau.
Series phim đã đặt ra những câu hỏi thực tế về nơi làm việc. Nó khiến bạn tự hỏi rằng các công ty có thực sự muốn những chú ong thợ tập trung cao độ hay liệu họ có lợi gì từ các nhóm được tạo nên bởi những cá nhân với đa dạng các trải nghiệm trong việc đưa ra những quyết định.
Các nghiên cứu cho thấy rằng các đội ngũ đa dạng mang lại kết quả tốt hơn và doanh thu cao hơn. Đề cao tính cá nhân tại nơi làm việc - cả của bạn và người khác - là điều quan trọng trong việc xây dựng và hỗ trợ các đội ngũ đa dạng.
Dưới đây là 3 lý do mà nhân viên nên mang con người thật của họ đến nơi làm việc.
Che giấu con người thật để phù hợp với khuôn mẫu sẽ bào mòn năng lượng của bạn. Chỉ cần hỏi Bozoma Saint John, một nhân vật không xa lạ gì, để nghe cô ấy nói về tầm quan trọng của việc thể hiện bản thân trong công việc.
Saint John là một nhà điều hành tiếp thị thành công và là một biểu tượng thời trang toàn cầu, thường xuất hiện trên trang bìa các tạp chí như Vogue và Glamour trong những bộ trang phục màu sắc tươi sáng, hoa văn táo bạo và luôn tỏa sáng ở nơi làm việc.
Ở tuổi 45, Saint John đã đảm nhận các vị trí Giám đốc tiếp thị tại Netflix và Endeavour, Giám đốc thương hiệu tại Uber, đồng thời là Giám đốc tiếp thị tại Apple Music. Mặc dù trang phục có vẻ không liên quan đến hiệu suất công việc, song Saint John sẽ không đồng ý với điều đó.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2018, Saint John chia sẻ đã phải nỗ lực không ngừng để có được sự thoải mái ngay từ khi mới bắt đầu sự nghiệp khi cô cố gắng bắt chước phong cách vest xám của những vị giám đốc điều hành mà cô ngưỡng mộ.
“Tôi không bộc lộ bất kỳ tính cách nào của bản thân bởi vì tôi đã quá bận rộn với việc cố gắng trở thành một ai đó khác.” - Saint John chia sẻ. Tôi thực sự không thoải mái trong hoàn cảnh đó. Vì vậy, tôi đã dành toàn bộ năng lượng của mình để cố gắng không cảm thấy khó chịu. Thật quá lãng phí thời gian.”
Trong một lần gặp rắc rối với việc giặt ủi khiến Saint John không có được chiếc áo sơ mi truyền thống để mặc đi làm vào một ngày nào đó, cô đã chọn một chiếc áo sơ mi hoa mà bản thân vô cùng yêu thích và ngay lập tức cảm thấy thoải mái hơn.
“Trông tôi khác mọi người nhưng bản thân tôi cảm thấy rất tuyệt trong ngày hôm đó. Tôi không thể nào quay trở lại phong cách trước kia được nữa.” - Saint John hào hứng kể lại.
Tất nhiên, việc trở thành con người đích thực của bạn không chỉ giới hạn ở việc bạn cảm thấy thoải mái trong các bộ trang phục. Saint John lưu ý rằng việc mang lại “sự toàn diện của bản thân” vào công việc “giúp ích cho môi trường công ty và cho phép sự đa dạng hơn, không chỉ về chủng tộc và giới tính mà còn về ý tưởng và kinh nghiệm.”
Khi đi phỏng vấn xin việc, bạn muốn cá tính của mình được thể hiện rõ ràng. Nhóm tuyển dụng cần biết liệu bạn có phù hợp với văn hóa công ty hay không, và, thành thật mà nói, họ có muốn làm việc với bạn với tư cách cá nhân hay không.
Đừng “tắt” cá tính khi bạn đã được tuyển dụng.
Cá tính của bạn có thể bộc lộ trong một số bối cảnh, thông qua những tiếng ồn xung quanh hoặc hình ảnh trong một cuộc gọi Zoom hoặc trên hồ sơ mạng xã hội của bạn. Việc mang con người thật của bạn vào trong công việc cho phép bạn đóng một vai trò trong việc định hình cách đồng nghiệp nhìn nhận về bạn.
“Ở cấp độ rất cơ bản, hãy thể hiện một chút tính cách của bạn để mọi người hiểu rõ hơn về con người ngoài giờ làm việc của bạn, đặc biệt là trong thời đại ngày nay khi rất nhiều người trong chúng ta đang làm việc trong môi trường trực tuyến và chúng ta thoải mái trong chính ngôi nhà của mình.” - Alex De Simone, chuyên gia tiếp thị của Star Talk, giải thích trong podcast Hardly Work của Fishbowl.
Susan McPherson, một chuyên gia truyền thông, viết trên Tạp chí Harvard Business Review: “Nếu bạn che giấu con người thật của mình, bạn có thể sẽ bỏ lỡ việc tạo dựng các mối quan hệ có thể làm phong phú cuộc sống và sự nghiệp của bạn”.
McPherson lấy nội dung thời tiết làm ví dụ. Thay vì chỉ thông báo đơn giản “Trời nóng” hoặc “Trời mưa” với đồng nghiệp, McPherson dùng nội dung này như một cách thú vị để chia sẻ con người thật của cô. Cô sẽ nói điều gì đó như, “Tôi không thích những ngày mưa vì tôi thích đi bộ. Đi bộ đã giúp tôi vượt qua đại dịch này. Tôi đã đi bộ hơn 1.200 dặm kể từ tháng 9”.
McPherson giải thích rằng sự chân thành không chỉ là chia sẻ về bản thân mà còn đòi hỏi bạn phải lắng nghe và có hành động để đáp lại sự chân thành của đồng nghiệp. Chú ý đến sở thích và lời khuyên của họ, điều đó có thể bao gồm:
Bạn cần lưu ý rằng, là chính mình không có nghĩa là chia sẻ mọi ý kiến chưa chắt lọc với đồng nghiệp của bạn hoặc mặc một thứ gì đó không an toàn cho kiểu công việc của bạn. Trong một số tình huống, việc thể hiện cá tính quá mức không phỉa là ưu tiên hàng đầu.
Ví dụ: diễn viên hài Tom Papa chia sẻ một câu chuyện trong series "Out in America" của ông về chuyến thăm Portland, Oregon. “Tôi được một tài xế Uber đeo mặt nạ bảo hộ thợ hàn đón tại sân bay. Đây không phải là một bộ trang phục. Anh ấy nói rằng anh ấy từ chối tuân theo những gì người khác muốn anh ấy mặc ”.
Vậy, liệu công ty có khuyến khích bạn thể hiện bản thân? Bạn hãy tự nhận xét nơi làm việc của mình xem liệu đó có phải là công ty khuyến khích nhân viên thể hiện bản thân và là nơi bạn cảm thấy thoải mái khi chia sẻ quan điểm của mình với đồng nghiệp hay không, để từ đó đưa ra quyết định sáng suốt nhất.
Yến Anh-Theo glassdoor