logo
Theo dõi investo trên google news

thứ ba, 19/10/2021

GAAP và Non-GAAP: những điều nhà đầu tư chứng khoán cần biết

Trên thị trường chứng khoán nói chung, có không ít doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận ròng theo cơ sở Non-GAAP nhằm mục đích khiến các nhà đầu tư hài lòng. Nhưng lợi nhuận Non-GAAP khác với lợi nhuận GAAP như thế nào và các nhà đầu tư thông minh nên đánh giá phân tích số liệu này ra sao?

GAAP và Non-GAAP: những điều nhà đầu tư chứng khoán cần biết

  • Nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung - GAAP là gì?

GAAP (generally accepted accounting principles) là một nhóm các nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung và được thừa nhận trong nhiều năm. Các doanh nghiệp sử dụng GAAP để sắp xếp thông tin trong hồ sơ kế toán, tóm tắt những thông tin này thành báo cáo tài chính và giúp cho bộ máy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. 

GAAP được Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Tài chính (FASB) Mỹ sử dụng là nền tảng cho các phương pháp kế toán doanh nghiệp tại quốc gia này. Trên phạm vi quốc tế, khung tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi hơn là IFRS.

  • Đặc điểm của GAAP

Khi một doanh nghiệp tuân thủ GAAP - các nguyên tắc kế toán chung được thừa nhận, báo cáo tài chính của họ sẽ được chuẩn hóa với các giả định, thuật ngữ, định nghĩa và phương pháp, giúp báo cáo trở nên minh bạch hơn. 

  • GAAP giúp thiết lập các báo cáo tài chính doanh nghiệp theo những nguyên tắc chung
  • GAAP giúp thiết lập tiêu chuẩn cho các phương pháp và quy định kế toán, kiểm toán cho nhiều ngành/lĩnh vực khác nhau
  • GAPP bao phủ nhiều hoạt động từ kiểm toán, phân tích đến rà soát báo cáo tài chính của các doanh nghiệp
  • Mục tiêu tối hậu của GAAP là đảm bảo tính hoàn chỉnh, nhất quán của các báo cáo tài chính doanh nghiệp nhằm giúp các bên hữu quan phân tích một doanh nghiệp dễ dàng, cũng như so sánh doanh nghiệp đó với các đối thủ tương tự để hỗ trợ cho quá trình ra quyết định đầu tư.
  • Mười nguyên tắc khái quát nhiệm vụ chính của GAAP 

  • Nguyên tắc tuân thủ

Quy trình kế toán, kiểm toán của các doanh nghiệp Mỹ phải tuân thủ nghiêm ngặt các khung nguyên tắc và quy ước của GAAP

  • Nguyên tắc nhất quán 

Các nguyên tắc GAAP phải được áp dụng một cách nghiêm ngặt xuyên suốt quá trình xây dựng báo cáo tài chính. Nếu tiến hành những thay đổi so với khung chuẩn của GAAP trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp, bộ phận kế toán cũng phải giải trình đầy đủ lý do thay đổi trong chú thích của báo cáo.

  • Nguyên tắc chính trực

Bộ phận kế toán có nghĩa vụ cung cấp chính xác và khách quan các thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp.

  • Nguyên tắc nhất quán

Các quy định, nguyên tắc được áp dụng trong các báo cáo tài chính doanh nghiệp phải thống nhất và có thể so sánh được.

  • Nguyên tắc không bồi thường

Các số liệu tài chính phải được báo cáo một cách minh bạch, chính xác, không bị thay đổi bằng cách bù trừ cho dù là số liệu tích cực hay tiêu cực.

  • Nguyên tắc thận trọng

Các thông tin tài chính phải được trình bày chính xác theo thực tế với số liệu rõ ràng và tránh tuyệt đối các thông tin dựa trên suy đoán. 

  • Nguyên tắc liên tục 

Một doanh nghiệp cần được định giá vốn điều lệ và tài sản dựa trên giả định doanh nghiệp đó sẽ tiếp tục duy trì hoạt động trong các kỳ (quý, năm) tiếp theo trong tương lai.

  • Nguyên tắc định kỳ 

Tất cả khoản mục phải được phân bổ hợp lý vào các kỳ thích hợp.

  • Nguyên tắc trọng yếu 

Tất cả thông tin, dữ liệu quan trọng trong báo cáo tài chính phải được công khai minh bạch, không có ngoại lệ.

  • Nguyên tắc giữ chữ tín

Tất cả các bên liên quan phải trung thực trong mọi giao dịch.

GAAP và Non-GAAP: những điều nhà đầu tư chứng khoán cần biết

  • Sự khác biệt giữa GAAP và IFRS

IFRS là viết tắt của Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế, được ban hành và quản lý bởi Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB). Như đã nói ở trên, IFRS được sử dụng trên phạm vi quốc tế trong khi GAAP được sử dụng chủ yếu tại Mỹ. 

Hai bộ chuẩn mực này có một số đặc điểm khác biệt như sau:

  • Hàng tồn kho: GAAP cho phép các công ty sử dụng quy tắc kế toán “nhập vào sau, xuất ra trước” (LIFO) trong khi IFRS cấm tuyệt đối quy tắc này.
  • Chi phí phát triển – chi phí nội bộ để phát triển các tài sản vô hình của doanh nghiệp: GAAP công nhận những khoản mục này là chi phí doanh nghiệp. Trong khi đó, IFRS quy định những chi phí này phải được vốn hóa và phân bổ trên nhiều kỳ.
  • Bút toán giảm: Theo nguyên tắc của GAAP, các khoản bút toán giảm hàng tồn kho hoặc tài sản cố định không được phép hoàn nguyên nếu giá trị thị trường của hàng tồn kho hoặc tài sản đó tăng trở lại. Trong khi đó, IFRS cho phép hoàn nguyên các khoản này.
  • Tài sản cố định: theo GAAP, các tài sản cố định được ghi nhận theo giá mua và phải tính khấu hao theo giá này. IFRS cũng quy định các tài sản cố định được ghi nhận theo giá mua nhưng doanh nghiệp được phép đánh giá lại tài sản theo giá trị thị trường.
  • Non-GAAP là gì?

Non-GAAP lại là một phương pháp điều chỉnh đối với các số liệu hiện có nhưng vẫn cho phép nhà đầu tư đối chiếu với các số liệu GAAP khá dễ dàng. 

  • Không như GAAP được FASB thiết lập và điều chỉnh, các tiêu chuẩn Non-GAAP lại không có người hay đơn vị tạo lập trực tiếp. May mắn là các số liệu tài chính Non-GAAP vẫn nằm dưới quyền chi phối của SEC.

GAAP và Non-GAAP: những điều nhà đầu tư chứng khoán cần biếtẢnh: Business Insider

  • Một trong những đại lượng đo lường chuẩn Non-GAAP phổ biến nhất trong kế toán là EBITDA, hoặc còn gọi là lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ. EBITDA được hầu hết các công ty công bố thông qua thông cáo báo chí và báo cáo tài chính. 

  • Đây không phải là số liệu thu nhập GAAP thực sự, nhưng con số này sẽ giúp bạn dễ dàng so sánh mức thu nhập của năm sau so với năm trước và công ty này so với công ty khác ma2 không phải lo lắng về khả năng một công ty nào đó có mang nợ nhiều hơn và làm giảm thu nhập vì chi phí lãi vay phát sinh.

  • Tuy nhiên, cũng tồn tại những thủ pháp tính toán con số non_GAAP để làm cho kết quả thu nhập ròng trông có vẻ tốt hơn. Từ trước đến nay, đã có rất nhiều công ty sử dụng thủ pháp Non-GAAP để đánh lừa nhà đầu tư. Vì vậy, giới đầu tư thường sẽ cảm thấy khó tin tưởng vào những con số Non-GAAP.

  • Tại sao các công ty sử dụng Non-GAAP?

Có những công ty sử dụng Non-GAAP một cách chính đáng. Họ thực sự có phát sinh các khoản mục chi phí một lần hoặc có mô hình kinh doanh không phù hợp với kiểu báo cáo theo chuẩn GAAP.

Ví dụ cụ thể:

Trong báo cáo tài chính quý 4 năm 2020, United Parcel Service (NYSE:UPS) đã ghi nhận lợi nhuận trên một cổ phiếu (EPS) sau điều chỉnh 2,66 USD/cổ phiếu. Đó chính là một số liệu Non-GAAP. EPS thực tế của công ty này là âm 3,75 USD/cổ phiếu. Biểu đồ dưới đây trong báo cáo tài chính của UPS sẽ cho thấy sự khác biệt:

GAAP và Non-GAAP: những điều nhà đầu tư chứng khoán cần biết

Vậy câu chuyện ở đây là gì? 

  • Đối với UPS, khoản kết chuyển lớn nhất trong cả hai năm là các khoản phí mà theo khung quy chuẩn GAAP, họ buộc phải tính vào thu nhập ròng cho những khoản thiếu hụt trong chương trình lương hưu. Các khoản phí này cao đến mức công ty đã phải trình bày riêng về chúng sau khi báo cáo kết quả tài chính.

  • Nội dung chính của khoản phí này là UPS đã không ước tính chính xác nhân khẩu học trong số các nhân viên của mình và họ đã sử dụng tỷ lệ chiết khấu quá cao khi tính toán số tiền cần phải chi cho chương trình lương hưu để đáp ứng các nghĩa vụ bắt buộc. Họ đã ước tính sai một chút và phải ghi nhận tổng cộng 7,72 tỷ USD tiền chi phí phát sinh trong năm 2019 và 2020.

  • Rõ ràng UPS có lý do riêng khi chọn cách báo cáo EPS theo kiểu Non-GAAP (lưu ý UPS chỉ gọi con số đó là EPS đã điều chỉnh). Chi phí trả lương hưu là một phần chi phí hợp lý của hoạt động kinh doanh, nhưng với những điều khoản thay đổi mà UPS đã thực hiện đối với chương trình lương hưu này, ban lãnh đạo công ty cho rằng những khoản phí đó sẽ không còn tái diễn định kỳ. Đây chính là điểm quan trọng mà các nhà đầu tư cần lưu ý.

  • Nhà đầu tư chứng khoán nên đọc số liệu Non-GAAP như thế nào?

Điều đầu tiên những nhà đầu tư chú trọng an toàn thường làm là đối chiếu các con số với nhau. Bạn phải đảm bảo hiểu rõ công ty đã điều chỉnh thu nhập ròng GAAP như thế nào và lý do tại sao. Nếu không hiểu cách tính toán các con số đó hoặc không thể cộng lại chính xác, hãy bỏ qua con số Non-GAAP!

Trên đây là những thông tin tìm hiểu về GAAP - các nguyên tắc kế toán chung được thừa nhận và phương pháp điều chỉnh Non-GAAP. Đối với các nhà đầu tư chứng khoán, điều này rất quan trọng và cần thiết khi giao dịch. Vì vậy nếu muốn chinh phục thị trường, bạn nên lưu ý tham khảo và ghi nhớ cho mình!

Vương Linh

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến