logo
investo.vn-Banner-8.gif
Theo dõi investo trên google news

thứ tư, 21/08/2024

S&P Global đánh giá J&J và Roche mạnh nhất ngành dược phẩm sinh học

Johnson & Johnson và Roche là hai công ty đứng đầu bảng xếp hạng sức mạnh của ngành dược phẩm, theo S&P Global. Bảng này đánh giá sức mạnh của 17 công ty sản xuất thuốc hàng đầu trên thế giới.

S&P Global đánh giá J&J và Roche mạnh nhất ngành dược phẩm sinh học

Để có được kết quả trên, S&P đã xem xét nhiều công cụ đo lường khác nhau bao gồm lợi thế cạnh tranh, triển vọng tăng trưởng doanh thu bền vững, hiệu quả kinh doanh, quy mô, phạm vi và đa dạng hóa. Trong phân tích của mình, S&P chắt lọc những yếu tố này thành hai nhóm – rủi ro kinh doanh và rủi ro tài chính – để xác định xếp hạng của từng hãng.

Hai công ty được xếp hạng cao nhất đều sở hữu một doanh nghiệp công nghệ y tế riêng biệt cùng với năng lực sản xuất dược phẩm.

S&P định nghĩa rủi ro kinh doanh là một thước đo khả năng sinh lời dài hạn của công ty. Rủi ro tài chính đề cập tới tỷ lệ tín dụng của hãng, được tính bằng nợ chịu lãi trừ đi mục tiền và tương đương tiền, sau đó chia cho lợi nhuận trước lãi, thuế, khấu hao vô hình và hữu hình (EBITDA).

“Dù các công ty dược phẩm với thương hiệu hàng đầu có nhiều điểm chung – bao gồm lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ, phản ánh trong các sản phẩm khác biệt với mức giá cao cấp và ít nhạy cảm với chu kỳ kinh doanh – chúng ta vẫn thấy sự khác biệt rõ trong sức mạnh kinh doanh trên toàn ngành,” S&P viết.

Báo cáo với tiêu đề “Sức mạnh kinh doanh khác biệt ra sao giữa các công ty dược phẩm có thương hiệu hàng đầu,” cũng đưa ra xếp hạng cao nhất trong nhóm rủi ro kinh doanh cho Sanofi, Novartis, AstraZeneca, Pfizer và GSK.

Sự khác biệt với J&J and Roche, tuy nhiên, là cả hai đều được xếp hạng cao trong chỉ tiêu rủi ro tài chính, được phân loại là “tối thiểu”. Hồ sơ rủi ro tài chính của Sanofi, Novartis và AZ thuộc phân loại tốt kế đó – “vừa phải”, trong khi hồ sơ rủi ro tài chính của Pfizer và GSK được gắn nhãn “trung bình”.

Trong khi đó, Novo Nordisk và Eli Lilly, là những công ty có giá cổ phiếu tăng vọt nhờ doanh thu bùng nổ từ các sản phẩm điều trị bệnh tiểu đường và chứng béo phì, được xếp vào hạng mục “mạnh” khi đánh giá rủi ro kinh doanh. Trong khi Novo được phân loại vào nhóm có rủi ro tài chính “tối thiểu”, rủi ro tài chính của Lily được xếp hạng thấp hơn, ở mức “vừa phải”.

Novo và Lilly là hai công ty hàng đầu trong ngành với tỷ suất đáng kể khi tính theo vốn hóa thị trường, nhưng S&P cho biết sự đa dạng hóa của hai công ty này lại yếu hơn so với các công ty lớn đã được nêu trước đó.

“Cả Eli Lilly và Novo Nordisk đều tập trung nhiều hơn vào các sản phẩm chuyên cho một căn bệnh (tiểu đường) so với các đối thủ cùng ngành. Chúng tôi dự đoán xu hướng này sẽ được thu hẹp, nhờ sự tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ của các sản phẩm dựa trên GLP-1 (mới) được phê duyệt cho bệnh béo phì,” S&P viết. “Mặc dù các sản phẩm dựa trên GLP-1 đã cho thấy những lợi ích ngoài bệnh béo phì và tiểu đường tuýp 2, nhưng chúng tôi hiện không nhận định chúng có sự đa dạng về mặt tác dụng, vì vẫn chưa rõ liệu những lợi ích tiềm năng này phát sinh độc lập, hay là do việc giảm cân đem lại.”

Cũng được gắn nhãn “mạnh” trong phân loại rủi ro kinh doanh gồm có Merck, AbbVie, Bristol Myers Squibb, Takeda và Amgen. Với rủi ro tài chính, Merck ngang hàng với Lilly, với đánh giá “vừa phải”; trong khi đó AbbVie, BMS và Takeda xếp hạng thấp hơn một bậc, với đánh giá “trung bình”. Amgen, công ty đã thực hiện một số thỏa thuận mua lại trong những năm gần đây, nổi bật là công ty duy nhất trong số 17 công ty dược phẩm được nghiên cứu có rủi ro tài chính ở mức “đáng chú ý”.

S&P Global đánh giá J&J và Roche mạnh nhất ngành dược phẩm sinh học

Phân tích riêng lẻ từng công ty, sức mạnh cơ bản của J&J so với các công ty khác là quy mô của hãng, theo S&P. Với 85 tỷ USD doanh thu trong năm 2023, doanh số của J&J bỏ xa công ty Roche ở-vị-trí-thứ-hai, khi hãng này chỉ tạo ra 58,72 tỷ CHF (khoảng 65 tỷ USD).

S&P Global đánh giá J&J và Roche mạnh nhất ngành dược phẩm sinh học

“Mặc dù chúng tôi tin tưởng quy mô lớn có thể mang lại những lợi thế cạnh tranh nhất định, như quy mô kinh tế lớn hơn, hay khả năng và sức mạnh đàm phán của công ty, chúng tôi cũng tin sự tương quan trong đánh giá rủi ro kinh doanh cũng phản ánh được sự đa dạng hóa và vị thế cạnh tranh (vai trò dẫn đầu thị trường và thị phần chiếm lĩnh) có liên quan tới yếu tố quy mô,” S&P giải thích. 

Cùng lúc đó, sức mạnh lớn nhất của Roche, theo S&P, là số lượng lớn các sản phẩm bom tấn chạm mức 15, so với kết quả 14 của J&J, 13 của Novartis và 12 của AbbVie và AZ.

Trong năm 2023, có 5 công ty được xếp hạng mức sinh lời cao nhất, với tỷ suất lợi nhuân EBITDA vào khoảng 45-50%. Năm công ty đó là Gilead, Amgen, Novo, BMS và AbbVie. Khi tỷ suất lợi nhuận EBITDA được điều chỉnh theo những khác biệt tương đối trong chi tiêu R&D, thì công ty hoạt động tốt nhất là Regeneron, Gilead vaf Lilly, khi tỷ suất lợi nhuận đều lớn hơn 50%.

“Sự khác biệt trong cách hạch toán kế toán giữa R&D (được tính vào chi phí) và M&A (được tính vào vốn hóa và khấu hao) có thể làm tăng đáng kể tỷ suất sinh lời của các công ty dược phẩm theo đuổi chiến lược tăng trưởng theo hướng M&A (thay vì đầu tư cho R&D),” S&P cho biết.

Các chuyên gia phân tích cũng cân nhắc tới sự đa dạng địa lý. Với ảnh hưởng của cải tổ giá thuốc sắp diễn ra ở Mỹ, S&P nhận định việc tập trung kinh doanh tại Mỹ giờ đây rủi ro hơn so với quá khứ. Các công ty có tỷ lệ phần trăm doanh thu tại Mỹ lớn hơn, bao gồm Gilead, AbbVie, BMS và Biogen, đều vượt trên 65%. Các công ty sản xuất dược phẩm có thị phần doanh thu tại Mỹ ít hơn, Sanofi và Takeda, đều chưa đến 30%.

Một nhân tố khác được S&P cân nhắc tới là biến động doanh thu. Các chuyên gia đã kiểm định trên khung thời gian 15 năm, và loại đi những ảnh hưởng của việc thoái vốn và doanh thu bán hàng giai đoạn Covid-19, để tìm thấy công ty có doanh thu ổn định nhất là Regeneron, Amgen và Novartis, bởi không có công ty nào có mức thay đổi doanh thu hàng năm lớn hơn 5%. Trong chiều ngược lại, Biogen, BMS, AZ, Gilead và Lilly là những công ty có biến động doanh thu lớn nhất, với thay đổi doanh thu hàng năm tối thiểu là 15% tại một số thời điểm trong khung thời gian kiểm tra.

Nhìn chung các công ty trong ngành dược phẩm cho thấy sức mạnh kết hợp lớn hơn các công ty thuộc lĩnh vực khác, S&P viết trong bản tóm tắt của mình.

“Các công ty dược phẩm sở hữu thương hiệu hàng đầu nhận xếp hạng điểm đầu tư mạnh dựa nhờ có mô hình kinh doanh hấp dẫn khả năng sinh lời cao, kết hợp với đòn bẩy ròng được điều chỉnh thận trọng và dòng tiền mạnh mẽ”, S&P viết. “Các mô hình này có nhiều đặc điểm thuận lợi, bao gồm độ nhạy đối với chu kỳ kinh doanh bị hạn chế, rào cản cạnh tranh cao và lợi nhuận rất lành mạnh, với tỷ suất lợi nhuận EBITDA bình quân trong khoảng 30% - 40% – cao hơn bất kỳ ngành công nghiệp nào khác”.

Hải Hà-Theo fiercepharma

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

investo.gif