Giống như mặt trời luôn mọc ở phương Đông, các nhà đầu tư hướng tới thu nhập luôn có thể tin tưởng vào những cổ phiếu chia cổ tức vững chắc này.
Mặc dù không thể tìm thấy hai nhà đầu tư giống hệt nhau trên thị trường, phần lớn các danh mục đầu tư hưu trí thành công đều có chung một mối liên kết: cổ phiếu chia cổ tức.
Câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao lại là cổ phiếu chia cổ tức?” vô cùng đơn giản. Vì chúng có hiệu suất… vượt trội hơn nhiều trong dài hạn. Vào năm 2013, J.P. Morgan Asset Management đã phát hành một báo cáo. Trong đó so sánh lợi nhuận hàng năm của các công ty giao dịch công khai có chi trả và tăng các khoản cổ tức từ 1972 đến 2012 với các cổ phiếu không trả cổ tức trong cùng khung thời gian. Kết quả cho thấy cổ phiếu trả cổ tức đạt mức lợi nhuận trung bình hàng năm là 9,5% trong bốn thập kỷ, trong khi các công ty không trả cổ tức chỉ đạt mức lợi nhuận hàng năm là 1,6%.
Cũng không lấy làm ngạc nhiên trước những con số này. Các công ty trả cổ tức thường có lợi nhuận, triển vọng sáng sủa và đưa ra các mô hình hoạt động được bảo chứng theo thời gian.
Nhưng cũng như không có hai nhà đầu tư nào giống nhau, chẳng có cổ phiếu nào chia các khoản cổ tức ngang bằng nhau. Đối với một số người tìm kiếm thu nhập, việc mua cổ phiếu chia cổ tức đặc biệt an toàn là điều tối quan trọng. Mặc dù định nghĩa “an toàn” thế nào còn tùy thuộc ở từng nhà đầu tư, nhưng các cổ phiếu sau đây đều sở hữu những thuộc tính khiến chúng được cho là các cổ phiếu chia cổ tức an toàn nhất thế giới.
Một cách để lọc ra cổ phiếu chia cổ tức an toàn nhất là để cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's thực hiện công việc đó cho bạn. Có hàng nghìn cổ phiếu giao dịch công khai mà nhà đầu tư có thể mua, nhưng chỉ có hai cổ phiếu được Moody xếp hạng tín nhiệm cao nhất (AAA): tập đoàn chăm sóc sức khỏe Johnson & Johnson (NYSE: JNJ) và ông vua phần mềm Microsoft (NASDAQ: MSFT).
Để tiện hình dung, đây là mốc xếp hạng tín dụng cao hơn cả mốc xếp hạng của Moody’s với chính phủ Hoa Kỳ! Điều này đồng nghĩa Moody's tin tưởng Johnson & Johnson và Microsoft có khả năng thanh toán các khoản nợ tồn đọng cao hơn cả khả năng trả nợ của chính phủ Hoa Kỳ.
Mặc dù Johnson & Johnson có 9 tỷ USD nợ ròng, công ty đã tạo ra hơn 24 tỷ USD dòng tiền hoạt động chỉ trong 12 tháng (từ tháng 4 năm 2020 đến tháng 3 năm 2021). Thành công của công ty đến từ ba phân khúc cốt lõi. Có thể dễ dàng dự đoán dòng tiền của JNJ từ phân khúc sản phẩm chăm sóc sức khỏe, bộ phận thiết bị y tế hưởng lợi từ dân số già và công ty cũng thu được phần lớn lợi nhuận từ các loại dược phẩm có thương hiệu đang phát triển nhanh. Vì chúng ta không thể lựa chọn thời điểm bị ốm cũng như mắc bệnh gì, cổ phiếu Johnson & Johnson là một mã có tính phòng thủ rất cao.
Đối với Microsoft, công ty đang dựa vào nhiều phân khúc có lợi nhuận cao. Microsoft chứng kiến sự tăng trưởng đặc biệt từ mảng điện toán đám mây. Nhưng công ty vẫn thu dòng tiền đáng kể với tư cách là nhà cung cấp hệ điều hành thống trị cho máy tính cá nhân (Windows). Mặc dù Microsoft có khoản nợ 81 tỷ USD, nhưng cũng đang thu về khoảng 125 tỷ USD tiền mặt và tạo ra dòng tiền kinh doanh “khủng” là 72,7 tỷ USD trong năm qua.
Khoản cổ tức mà Johnson & Johnson và Microsoft đang chi trả cũng vô cùng vững chắc.
Những người tìm kiếm thu nhập cũng có thể tìm thấy rất nhiều cổ phiếu chia cổ tức cực kỳ an toàn trong nhóm Quý tộc Cổ tức - danh sách bao gồm hơn năm mươi công ty thuộc S&P 500 đã tăng các khoản cổ tức cơ bản hàng năm trong ít nhất 25 năm liên tiếp.
Ví dụ, Johnson & Johnson bên trên đã liên tục tăng cổ tức trong 59 năm, và công ty không lẻ loi một mình.
Gã khổng lồ hàng tiêu dùng Procter & Gamble (NYSE: PG) sở hữu một trong những chuỗi tăng cổ tức dài nhất trong số các công ty đại chúng. Trong 65 năm qua, mỗi năm khoản thu của các cổ đông lại một lớn. Procter & Gamble được hưởng lợi từ danh mục hàng hóa cơ bản vô cùng đa dạng. Bất kể nền kinh tế hoạt động tốt hay kém, mọi người vẫn cần mua kem đánh răng, giấy vệ sinh và chất tẩy rửa. Nhờ sở hữu trong tay một số thương hiệu nổi tiếng nhất, P&G là khoản đầu tư dài hạn tuyệt vời và một cổ phiếu chia cổ tức chắc chắn.
Một ví dụ điển hình khác là gã khổng lồ nước giải khát Coca-Cola (NYSE: KO). Giống như J&J, năm 2021 này đánh dấu mốc công ty đã tăng mức chi trả cơ bản 59 năm liên tiếp. Coca-Cola sở hữu một trong những thương hiệu được nhận diện nhiều nhất trên thế giới và có mặt ở tất cả các quốc gia ngoại trừ Triều Tiên và Cuba. Hơn nữa, công ty sở hữu hơn 20 thương hiệu tạo ra ít nhất 1 tỷ USD doanh thu hàng năm và kiểm soát 20% thị phần đồ uống lạnh ở các nước phát triển và 10% ở các thị trường mới nổi. Coca-Cola là một quái vật chính hiệu với dòng tiền cực kỳ dễ đoán, đó chính xác là lý do tại sao những người tìm kiếm thu nhập thông minh luôn bị mã cổ phiếu này thu hút.
Hậu Dương - Theo Fool