Trong phiên sáng 8/7, giá vàng giảm nhưng vẫn dao động gần mức cao nhất của hơn 1 tháng trong phiên trước đó. Giá dầu hạ nhiệt sau khi đi lên vào tuần trước.
Vào 8 giờ 22 phút ngày 8/7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 2.386,58 USD/ounce sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 22/5 vào phiên 5/7. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng giảm 0,2% xuống 2.393,80 USD/ounce.
Số liệu công bố hôm 5/7 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đạt mức cao nhất trong hai năm rưỡi là 4,1%, cho thấy thị trường lao động nước này đang bị trì trệ.
Hiện các thị trường đang đặt cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có 78% khả năng sẽ thực hiện việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Các nhà giao dịch cũng đồn đoán khả năng về lần cắt giảm lãi suất thứ hai vào tháng 12 đang tăng lên.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất hạ sẽ khiến đồng USD yếu đi, song lại gia tăng đáng kể sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng.
Tuy nhiên, giá vàng thỏi bị hạn chế bởi thông tin Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã hạn chế mua vàng dự trữ trong tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 6. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, tuần trước, tại Ấn Độ, các đại lý bán vàng trực tiếp ở nước này đã đưa ra chiết khấu do giá ở mức cao, giữa lúc chờ đợi khả năng giảm thuế nhập khẩu trong ngân sách sắp tới.
Vào lúc 8 giờ 15 phút ngày 8/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent được niêm yết ở mức 86,45 USD/thùng, giảm 0,1% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 82,93 USD/thùng, giảm 0,28% so với phiên liền trước.
Giá dầu quay đầu giảm trong phiên giao dịch cuối tuần trước, song vẫn ghi nhận tuần đi lên thứ 4 liên tiếp, khi lượng tồn kho sụt giảm cho thấy nhu cầu dầu đang gia tăng.
Thị trường dầu diễn biến đầy hưng phấn trong tuần trước khi liên tiếp đi lên và chạm mức “đỉnh” 2 tháng (trong phiên 1/7) nhờ hy vọng nhu cầu nhiên liệu sẽ tăng trong mùa Hè ở Bắc Bán cầu. Ngoài ra, tâm lý lo ngại rằng xung đột ở Trung Đông có thể lan rộng và làm giảm nguồn cung dầu toàn cầu cũng là nhân tố nâng đỡ giá “vàng đen”.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh (OPEC+), đã gia hạn hầu hết các chương trình cắt giảm sản lượng dầu đến năm 2025. Việc cắt giảm sản lượng đó đã khiến các nhà phân tích dự báo nguồn cung dầu sẽ thiếu hụt trong quý III/2024, do hoạt động vận tải và nhu cầu về điều hòa không khí trong mùa Hè sẽ "ngốn" vào kho dự trữ nhiên liệu.
Thêm vào đó, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 12,2 triệu thùng trong tuần trước nữa, trong khi các nhà phân tích tham gia khảo sát của Reuters nhận định mức giảm là 680.000 thùng. Nguy cơ gián đoạn nguồn cung do cơn bão Beryl cũng tạo động lực cho giá dầu, dù những lo ngại đã giảm sau khi Trung tâm Bão Quốc gia của Mỹ dự báo cơn bão suy yếu khi đi vào vịnh Mexico.
Tính chung cả tuần trước, giá dầu Brent tăng 0,4%, trong khi giá dầu WTI tăng 2,1%, ghi dấu tuần tăng thứ 4 liên tiếp. Kể từ đầu năm 2024 tới nay, giá dầu Brent và dầu WTI tăng lần lượt 12,3% và 16,1%.
Yến Anh