Giá vàng tăng khi ngày càng có nhiều ngân hàng trung ương có ý định hạ lãi suất và tình hình căng thẳng địa chính trị gia tăng. Giá dầu đi lên trước số liệu từ Trung Quốc và Mỹ cho thấy nhu cầu tại hai nước tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới có thể tăng lên.
Chốt phiên 9/5, giá vàng kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa COMEX tăng 25,9 USD (1,12%), lên 2.339,50 USD/ounce.
Chuyên gia Joaquin Monfort tại FXStreet cho rằng, giá vàng tăng trong phiên 9/5 sau khi một số ngân hàng trung ương lớn quyết định cắt giảm lãi suất, như Ngân hàng trung ương Thụy Điển (Riksbank), hoặc báo hiệu khả năng cắt giảm trong tương lai, như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Lãi suất thấp hơn làm giảm "chi phí cơ hội" khi nắm giữ vàng, một tài sản không sinh lãi, do đó khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn.
Kim loại quý này cũng đang chứng kiến sự quay trở lại của dòng tiền tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn trước sự bế tắc trong các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu Trung Quốc tăng mạnh hơn dự đoán cũng đang hỗ trợ giá vàng. Xuất khẩu tăng 1,5% trong tháng 4/2024 sau khi giảm 7,5% trong tháng 3. Trung Quốc được giới phân tích và các nhà đầu tư đánh giá là một mắt xích quan trọng trong thị trường vàng toàn cầu, vì vậy dữ liệu kinh tế mạnh mẽ từ nước này sẽ ảnh hưởng đến giá vàng.
Khép lại phiên 9/5, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 30 xu Mỹ (0,4%), lên 83,88 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 27 xu Mỹ (0,3%) và đóng cửa ở mức 79,26 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa cao nhất cho cả hai loại dầu này kể từ ngày 30/4.
Tại Trung Quốc, nhập khẩu dầu thô đã tăng trong tháng 4/2024 so với cùng kỳ năm ngoái và xuất nhập khẩu cũng lấy lại đà tăng trưởng trong tháng trước. Điều này cho thấy nhu cầu trong nước và nước ngoài gia tăng khi chính phủ nước này nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang suy yếu.
Trong khi đó, dữ liệu cho thấy số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng nhiều hơn dự kiến, lên mức 231.000 đơn (đã được điều chỉnh theo mùa) vào tuần trước. Trong khi các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters chỉ dự báo sẽ có 215.000 đơn yêu cầu trợ cấp. Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hơn 8 tháng qua là một bằng chứng cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt.
Các nhà phân tích dự đoán rằng đà giảm của thị trường lao động sẽ thúc đẩy khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất hai lần trong năm nay. Lãi suất thấp hơn sẽ giảm chi phí đi vay và có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu.
Tuy nhiên, hạn chế đà tăng giá của dầu trong phiên 9/5 là dữ liệu năng lượng của Mỹ cho thấy nhu cầu xăng và diesel trong tuần qua ở mức yếu nhất kể từ đại dịch COVID-19 năm 2020.
Yến Anh