Trong phiên 19/6, dữ liệu kinh tế ảm đạm của Mỹ đã đẩy giá vàng đi lên. Trong khi đó, tồn kho dầu của nước này tăng ngoài dự kiến gây áp lực giảm cho giá dầu.
Cuối phiên, tại sàn giao dịch COMEX của Mỹ, giá vàng giao ngay tăng 0,1%, lên mức 2.330,23 USD/ounce.
Động lực chính dẫn đến đà tăng của giá vàng vẫn là kỳ vọng của thị trường đối với chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), song biên độ tăng khá nhẹ do thị trường chờ đợi những tin tức quan trọng hơn. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng- tài sản không sinh lời.
Giá vàng tăng sau khi các dữ liệu mới nhất cho thấy hoạt động kinh tế mờ nhạt của Mỹ góp phần duy trì kỳ vọng về ít nhất một lần cắt giảm lãi suất của Fed trong năm nay. Doanh số bán lẻ của Mỹ hầu như không tăng trong tháng 5/2024, cho thấy hoạt động kinh tế vẫn ảm đạm trong quý II/2024.
Chuyên gia chiến lược thị trường Yeap Jun Rong của IG cho rằng, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ qua đêm giảm, đồng USD yếu sau báo cáo doanh số bán lẻ đáng thất vọng của Mỹ dường như tạo thuận lợi cho kim loại quý.
Nhà phân tích Ricardo Evangelista tại ActivTrades cũng cho biết: "Hoạt động mua vàng của các chính phủ vẫn ổn định. Vì vậy, trừ khi có bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong kịch bản này, giá dự kiến sẽ vẫn được hỗ trợ trên mức 2.300 USD/ounce”.
Giá vàng đã tăng khoảng 1,3% vào cuối tuần trước do dấu hiệu lạm phát hạ nhiệt ở Mỹ, trong khi chứng khoán châu Âu bị bán tháo do chứng khoán Pháp bị ảnh hưởng bởi bất ổn chính trị.
Nhà phân tích thị trường Carlo Alberto De Casa của Kinesis Money cho biết, sự bất ổn chính trị tại châu Âu có thể là nhân tố hỗ trợ giá vàng, vốn được coi là “thiên đường trú ẩn an toàn”, khi các cuộc bầu cử ở Pháp và Anh sắp đến gần.
Các nhà giao dịch tham gia thị trường đang tập trung theo dõi các số liệu kinh tế Mỹ như số liệu thất nghiệp hàng tuần công bố vào ngày 20/6 và chỉ số nhà quản trị mua hàng công bố vào ngày 21/6. Công cụ CME FedWatch cho thấy, khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9 đã tăng từ mức 61% lên 67%.
Chốt phiên 19/6, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 6 xu Mỹ (0,1%), xuống 85,27 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giảm 10 xu Mỹ (0,1%), xuống mức 81,47 USD/thùng.
Giá dầu đi xuống do sự lạc quan về nhu cầu tiêu thụ trong mùa Hè và lo ngại về xung đột leo thang đã bị lu mờ bởi báo cáo cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng.
Giá dầu Brent đã chạm mức 85,84 USD/thùng vào đầu phiên, ghi dấu mức cao nhất kể từ ngày 1/5, trong khi WTI cũng có thời điểm giao dịch ở mức 81,96 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 30/4. Hoạt động giao dịch trong phiên này khá thưa thớt do là ngày nghỉ lễ của Mỹ.
Nhà môi giới Tamas Varga tại PVM cho biết: “Bức tranh toàn cảnh của thị trường dầu hiện tại không mấy tích cực, nhưng vẫn có một số điểm sáng cho thấy triển vọng sẽ lạc quan hơn”.
Xung đột leo thang tại Trung Đông khiến nguồn cung dầu thô từ các nhà sản xuất chủ chốt có thể bị gián đoạn. Chuyên gia Yeap Jun Rong tại IG ở Singapore cho biết, giá dầu đã phục hồi khá mạnh trong 2 tuần qua, trong bối cảnh tiềm ẩn rủi ro gián đoạn nguồn cung nếu xảy ra xung đột lan rộng khi căng thẳng địa chính trị Israel và Hezbollah leo thang.
Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho rằng rủi ro lan rộng trên các thị trường toàn cầu đã hỗ trợ giá dầu thô. Thị trường cũng quan tâm đến chính sách lãi suất của Fed bởi nếu cơ quan này cắt giảm lãi suất có thể làm giảm chi phí đi vay, thúc đẩy hoạt động kinh tế và nâng cao mức tiêu thụ dầu.
Trong khi đó, các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu khí Mỹ cho thấy, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 2,264 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 14/6, trái ngược với dự đoán của các nhà phân tích được Reuters khảo sát là giảm 2,2 triệu thùng. Dữ liệu dầu mỏ chính thức từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ sẽ được công bố vào ngày 20/6.
Dữ liệu của Trung Quốc trong tuần này cho thấy sản lượng công nghiệp tháng 5/2024 thấp hơn kỳ vọng, nhưng doanh số bán lẻ, thước đo tiêu dùng, đánh dấu mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 2.
Yến Anh