Giá vàng thế giới đi lên do đồng USD suy giảm. Giá dầu cũng tăng sau một tuần giao dịch ảm đạm bởi triển vọng về lãi suất của Mỹ trước tình hình lạm phát kéo dài.
Vào lúc 8 giờ 17 phút ngày 28/5 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đứng quanh ngưỡng 2.349,2 USD/ounce, tăng 5 USD/ounce so với đêm qua. Giá vàng giao tương lai tháng 8/2024 trên sàn Comex New York ở mức 2.375,9 USD/ounce.
Giá vàng đi lên sau khi chạm mức thấp nhất của 2 tuần trong phiên trước đó. Việc kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất sụt giảm trước báo cáo lạm phát quan trọng vào cuối tuần này là yếu tố chính tác động đến thị trường vàng. Mặc dù chạm mức cao kỷ lục 2.449,89 USD/ounce hồi đầu tuần trước, song kim loại quý đã giảm hơn 100 USD kể từ đó.
Nhà phân tích cao cấp Matt Simpson của công ty tài chính City Index nhận định giá vàng có thể phục hồi nhẹ từ mức hiện tại trước khi thử nghiệm lại vùng 2.280-2.300 USD/ounce. Mức giá này có thể giảm sâu hơn nếu số liệu của Mỹ tiếp tục vượt trội.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE), thước đo lạm phát được ưa thích của Fed, dự kiến được công bố vào ngày 31/5. Vàng vốn được coi là tài sản phòng ngừa lạm phát, nhưng lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ vàng, vì vàng không sinh lời.
Biên bản cuộc họp của Fed được công bố vào tuần trước cho thấy con đường đạt mục tiêu lạm phát 2% của ngân hàng trung ương này có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Dự đoán của các nhà giao dịch cho thấy sự hoài nghi về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn một lần trong năm 2024 ngày càng tăng.
Theo công cụ theo dõi lãi suất FedWatch của CME, hiện tại, khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 11/2024 chỉ ở mức khoảng 62%.
Nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) dự đoán, giá vàng giao ngay có thể thử nghiệm mức kháng cự tại 2.352 USD/ounce, nếu vượt qua mức này có thể mở đường cho giá vàng tăng lên 2.363 USD/ounce.
Trong phiên 27/5, giá dầu Brent giao tháng 7/2024 tăng 1 USD (1,2%) lên 83,12 USD/thùng và giá dầu giao tháng 8/2024 tăng 1,04 USD lên 82,88 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ tăng 93 xu Mỹ lên 78,65 USD/thùng. Thị trường giao dịch kém sôi động do nghỉ lễ tại Mỹ và Anh.
Dầu Brent đã khép tuần trước với mức giảm 2%, dầu WTI giảm gần 3% sau khi biên bản cuộc họp của Fed cho thấy một số quan chức sẵn sàng tiếp tục thắt chặt lãi suất nếu họ tin rằng đó là điều cần thiết để kiểm soát lạm phát dai dẳng.
Chuyên gia Vandana Hari, người sáng lập công ty phân tích thị trường dầu mỏ Vanda Insights, cho biết, lòng tin thị trường đã trở nên không ổn định khi các nhà đầu tư liên tục thay đổi kỳ vọng quỹ đạo chính sách tiền tệ của Fed.
Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ dự kiến công bố trong tuần này sẽ là tâm điểm chú ý của thị trường khi có thêm tín hiệu về chính sách lãi suất. Chỉ số này, dự kiến được công bố vào ngày 31/5, được xem là thước đo lạm phát ưa thích của Fed.
Số liệu về lạm phát ở Khu vực đồng euro cũng sẽ được công bố cùng ngày 31/5. Các nhà kinh tế tin rằng mức lạm phát dự kiến lên tới 2,5% sẽ không ngăn cản Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nới lỏng chính sách vào tuần tới.
Thị trường cũng sẽ chú ý đến cuộc họp của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh (OPEC+) sẽ diễn ra trực tuyến vào ngày 2/6. OPEC+ dự kiến nhu cầu dầu sẽ tăng tương đối mạnh mẽ trong một năm nữa, khoảng 2,25 triệu thùng/ngày, trong khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến mức tăng chậm hơn nhiều, chỉ 1,2 triệu thùng/ngày.
Trong một diễn biến khác, Goldman Sachs đã nâng dự báo nhu cầu dầu năm 2030 từ 106 triệu thùng/ngày lên 108,5 triệu thùng/ngày. Dự kiến nhu cầu dầu cao điểm sẽ xảy ra vào năm 2034 ở mức 110.000 triệu thùng/ngày, sau đó là giai đoạn ổn định kéo dài đến năm 2040.
Yến Anh