logo
Top-trang-Danh-sach-san-desktop-840x154-px.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ hai, 08/07/2024

Triển vọng FED cắt giảm lãi suất không còn quá xa vời

Hoạt động tuyển dụng chậm lại trên diện rộng, cùng với lạm phát hạ nhiệt, đang mở đường cho FED tiến hành cắt giảm lãi suất ngay trong tháng 9.

Triển vọng FED cắt giảm lãi suất không còn quá xa vời

Hãy quên đi cái nóng mùa hè! Có vẻ như nền kinh tế Mỹ dường như đã hạ nhiệt đủ để Cục Dự trữ Liên bang (FED) sớm cắt giảm lãi suất.

Bằng chứng mới nhất là báo cáo việc làm vừa được công bố, trong đó cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 206.000 việc làm mới trong tháng 6. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng trước nhích lên 4,1%, cao hơn so với 4% trong tháng 5.

Theo các chuyên gia kinh tế, hoạt động tuyển dụng chậm lại trên diện rộng, cùng với lạm phát hạ nhiệt, đang mở đường cho FED tiến hành cắt giảm lãi suất ngay trong tháng 9.

Một số chuyên gia kinh tế Phố Wall thậm chí còn tư hỏi liệu FED có đang chờ đợi quá lâu hay không. Việc FED duy trì lãi suất cao trong thời gian quá dài có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế và trong trường hợp xấu nhất, đe dọa mức tăng trưởng mà kinh tế Mỹ đạt được trong ba năm qua.

“Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế đang chậm lại,” Richard Moody, trưởng chuyên gia kinh tế tại Regions Financial, cho biết. “Rõ ràng là thị trường lao động đang tiếp tục hạ nhiệt.”

Những “vết nứt” trong nền kinh tế

Chỉ cách đây vài tháng, viễn cảnh về một nền kinh tế suy yếu nhanh chóng là điều không ai nghĩ tới. Kinh tế Mỹ đã có thêm 267.000 việc làm mới mỗi tháng trong quý đầu tiên và lạm phát lại tăng cao trở lại vào đầu năm mới.

Điều này buộc FED phải hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất, dự kiến vào mùa xuân, cho đến khi có thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang chậm lại. Thay vào đó, ngân hàng trung ương tiếp tục giữ lãi suất chuẩn ở mức cao nhất trong 23 năm.

Những tác động đối với nền kinh tế đã trở nên rõ ràng hơn kể từ đó.

Chi phí đi vay tăng cao khiến các doanh nghiệp trì hoãn đầu tư, hoạt động sản xuất trì trệ. Người tiêu dùng cũng gặp khó khăn trong việc mua nhà, ô tô mới và các mặt hàng có giá trị lớn khác.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm xuống 1,4% trong quý đầu tiên, từ mức hơn 3% trong nửa cuối năm 2023. Và GDP quý hai cũng đang trên đà tăng trưởng tương tự.

Những con số không mấy lạc quan

Báo cáo việc làm tháng 6 nhấn mạnh sự yếu kém của nền kinh tế.

Thoạt nhìn, con số 206.000 việc làm mới trong tháng 6 là một con số đáng khích lệ.

Tuy nhiên, các con số cụ thể hơn lại không mấy lạc quan. Trước hết, chính phủ đã tạo ra 1/3 số việc làm mới trong tháng trước và việc tuyển dụng ở khu vực tư nhân bị tụt lại. Đó không phải là một dấu hiệu tốt.

“Đi vào chi tiết, hãy chú ý rằng dữ liệu việc làm khu vực chính phủ dường như đang củng cố các con số trong khi tốc độ tăng trưởng việc làm khu vực tư nhân đang chậm lại,” Emily Overton, nhà phân tích thị trường vốn tại Veterans United Home Loans, cho biết.

Chính phủ cũng cắt giảm ước tính trước đó về mức tăng việc làm trong tháng 5 và tháng 4, cho thấy hoạt động tuyển dụng trong mùa xuân chậm lại đáng kể.

Triển vọng FED cắt giảm lãi suất không còn quá xa vời

Số lượng việc làm mới trung bình được tạo ra mỗi tháng trong quý 2 đã giảm xuống còn 177.000 việc làm, từ mức 267.000 việc làm trong quý 1.

Động lực trên thị trường việc làm đang duy yếu, và điều này đã được thể hiện rõ trong các cuộc khảo sát khác về cơ hội việc làm, sa thải, kế hoạch tuyển dụng của doanh nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp.

Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 6 đã tăng lên mức cao nhất trong hai năm rưỡi là 4,1%, từ mức 3,4% vào khoảng 14 tháng trước. Và số người thất nghiệp trong tháng 6 đã tăng lên 6,8 triệu người, từ mức chỉ 6 triệu người cách đây 12 tháng.

Các chuyên gia kinh tế tại Citibank cho biết trong một báo cáo gửi khách hàng: “Tỷ lệ thất nghiệp tăng đều đặn… làm dấy lên mối lo ngại (thị trường lao động) suy yếu mạnh mẽ hơn”.

Lạm phát hạ nhiệt

Lạm phát cũng có vẻ đang hạ nhiệt. Số liệu của chính phủ cho thấy sau đợt tăng vọt trong quý đầu tiên, lạm phát bắt đầu giảm trong tháng 4 và đi ngang trong tháng 5.

Tỷ lệ lạm phát của Mỹ, được phản ánh bởi thước đo yêu thích của FED là chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân, đã giảm xuống 2,6% trong tháng 5, tiến gần hơn đến mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6, dự kiến công bố vào thứ Năm tuần sau, cũng được dự đoán sẽ cho thấy lạm phát tổng thể của Mỹ chỉ tăng nhẹ 0,1%.

Tất cả những con số này đang củng cố khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Phố Wall hiện đánh giá khả năng ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất tại cuộc họp ngày 17-18 tháng 9 là 71%.

Đỗ Hiền-Theo marketwatch

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

Cùng chuyên mục

370x700.png