FOREX
- Yên lùi bước sau khi tăng mạnh, đô la tăng trước CPI
HÀNG HÓA
- Vàng giảm khi đô la phục hồi với phép thử lạm phát của Mỹ gần kề
NĂNG LƯỢNG
- Dầu tăng 2% lên gần đỉnh 10 tháng do OPEC dự đoán nguồn cung thắt chặt
CỔ PHIẾU
- Phố Wall giảm điểm khi Oracle sụt giảm do dự báo yếu
TRÁI PHIẾU
- Lợi suất trái phiếu chính phủ ít thay đổi khi nhà đầu tư xem xét triển vọng lạm phát
PHÂN TÍCH
- AUD/USD: Dự báo cho quý 4 trở đi được điều chỉnh thấp hơn - CIBC
LỊCH KINH TẾ 13/09/2023
Cũng giống như như mùa xuân sẽ theo sau mùa đông, thịnh vượng và tăng trưởng kinh tế sẽ xuất hiện sau suy thoái – Bo Bennett
Đồng Yên đã giảm giá vào thứ Ba sau mức tăng trong một ngày lớn nhất tính theo tỷ lệ phần trăm kể từ giữa tháng 7. Đồng tiền đã mạnh lên sau những bình luận từ ngân hàng trung ương Nhật Bản. Trong khi đó, đồng đô la Mỹ đã tăng giá khi nhà đầu tư chờ đợi số liệu mới nhất về lạm phát.
Đồng bạc xanh đã tăng 0,39% ở mức 147,15 so với đồng Yên, xóa bỏ phần nào mức giảm 0,83% so với đồng tiền vào thứ Hai sau khi những bình luận từ Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda làm tăng kỳ vọng ngân hàng trung ương có thể thay đổi chính sách lãi suất âm.
Tuy nhiên, nhà lập pháp có ảnh hưởng của đảng cầm quyền Hiroshige Seko đã bày tỏ sự ưu tiên của ông đối với một chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng vào thứ Ba.
Đồng yên đã chịu áp lực so với đồng đô la vì BOJ vẫn là trường hợp ôn hòa ngoại lệ trong số các ngân hàng trung ương toàn cầu, đặc biệt kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ vào tháng 3 năm 2022.
Các nhà giao dịch đang theo dõi chặt chẽ bất kỳ dấu hiệu can thiệp nào nhằm củng cố đồng yên từ Nhật Bản kể từ khi đồng yên này suy yếu vượt ngưỡng 145 yên đổi 1 đô la vào tháng trước. Một năm trước, mức tỷ giá này đã thúc đẩy ngân hàng trung ương tiến hành can thiệp mua đồng yên lần đầu tiên kể từ năm 1998.
Chỉ số đồng đô la đã phục hồi phần nào mức giảm của ngày thứ Hai khi nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ, sẽ được công bố vào thứ Tư. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) gần đây nhất đã tăng 0,14% ở mức 104,72. Mặc dù số liệu tốt khó có thể làm ảnh hưởng đến kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang sẽ giữ lãi suất ổn định khi công bố chính sách vào tuần tới, nó có thể làm tăng kỳ vọng về việc tăng lãi suất nhiều hơn trong các cuộc họp tiếp theo.
Đồng euro giảm 0,19% xuống 1,0728 USD trước thông báo chính sách của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) hôm thứ Năm. Thị trường tiền tệ đang dần gia tăng kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất khác của ECB.
Đồng bảng Anh giảm 0,2% xuống 1,2485 USD so với đồng bạc xanh sau khi dữ liệu thị trường lao động của Anh cho thấy mức tăng lương có khả năng khiến Ngân hàng Trung ương Anh tiếp tục tăng lãi suất nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại tăng, báo hiệu khả năng hạ nhiệt.
Vàng trượt xuống mức thấp nhất trong hơn hai tuần vào thứ Ba khi đồng đô la phục hồi, trong khi nhà đầu tư chờ đợi lạm phát của Mỹ, sẽ được dự báo vào thứ Tư.
Giá vàng giao ngay giảm 0,6% ở mức 1.909,50 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 25 tháng 8. Giá vàng tương lai của Mỹ giảm 0,8% xuống 1.932,60 USD.
Khiến vàng trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, chỉ số đô la đã tăng 0,3% trước dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ vào thứ Tư. Điều này có thể ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang.
Theo một cuộc thăm dò của Reuters, lạm phát của Mỹ được kỳ vọng đã tăng 0,6% trong tháng 8, cao hơn so với mức tăng 0,2% của tháng trước. Tuy nhiên, theo Fed New York đưa tin hôm thứ Hai, quan điểm chung của người Mỹ về lạm phát đã ít thay đổi trong tháng 8.
Theo công cụ CME FedWatch, lãi suất cao hơn làm giảm đi sự tỏa sáng của vàng thỏi không sinh lợi suất. Các nhà giao dịch đang đặt cược xác suất 47% Fed tăng lãi suất vào tháng 11 sau khi được kỳ vọng tạm dừng vào tuần tới.
Giá dầu đã tăng khoảng 2% lên mức cao nhất gần 10 tháng vào thứ Ba do triển vọng nguồn cung thắt chặt hơn và sự lạc quan của OPEC về khả năng phục hồi nhu cầu năng lượng ở các nền kinh tế lớn.
Giá dầu Brent tương lai tăng 1,42 USD, tương đương 1,6%, đạt mức 92,06 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,55 USD, tương đương 1,8%, đạt mức 88,84 USD.
Cả hai giá dầu chuẩn này đều ở mức quá mua về mặt kỹ thuật trong ngày thứ tám liên tiếp và đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 11 năm 2022.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vẫn giữ nguyên dự báo về nhu cầu dầu toàn cầu tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023 và 2024, trích dẫn các dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế lớn mạnh hơn dự kiến. Báo cáo hàng tháng của OPEC dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày (bpd) vào năm 2024.
Giữ nguồn cung thắt chặt là việc Saudi Arabia và Nga gia hạn việc cắt giảm nguồn cung tự nguyện tổng cộng 1,3 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay. OPEC, Nga và các nhà sản xuất đồng minh được gọi là OPEC+.
Các nhà giao dịch dầu đang chờ đợi dự báo cung-cầu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào thứ Tư và dữ liệu tồn kho dầu của Mỹ từ Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) vào thứ Ba và từ EIA vào thứ Tư.
Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm vào thứ Ba khi cổ phiếu Oracle giảm hơn 13% sau khi dự báo yếu và giá dầu tăng làm tăng thêm lo ngại về áp lực giá dai dẳng trước các chỉ số lạm phát quan trọng trong tuần này.
Cổ phiếu Oracle đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6 sau khi nhà cung cấp dịch vụ đám mây này dự báo doanh thu quý hiện tại thấp hơn mục tiêu và suýt chút nữa không đạt được kỳ vọng trong quý đầu tiên.
Các đối thủ nặng ký về điện toán đám mây Amazon.com và Microsoft đều giảm hơn 1% do bị áp lực bởi dự báo yếu kém của Oracle và lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng.
Cổ phiếu Apple giảm 1,8% sau khi trình làng iPhone mới trong khi không tăng giá do phải đối mặt với tình trạng sụt giảm nhu cầu điện thoại thông minh toàn cầu. Cổ phiếu này cũng bị ảnh hưởng bởi một báo cáo cho biết Huawei Technologies của Trung Quốc đã tăng mục tiêu xuất xưởng nửa cuối năm cho điện thoại thông minh dòng Mate 60 thêm 20%.
S&P 500 giảm 0,57%, kết thúc phiên ở mức 4.461,91 điểm. Nasdaq giảm 1,04% xuống 13.773,62 điểm. Dow Jones giảm 0,05% xuống 34.645,99 điểm.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ ít thay đổi vào thứ Ba khi nhà đầu tư xem xét triển vọng của nền kinh tế, đặc biệt là về lạm phát và mối liên hệ của nó với chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm 1 điểm cơ bản ở mức 4,276%. Lợi suất trái phiếu 2 năm được giao dịch cao hơn 2 điểm cơ bản ở mức 5,02%.
Lợi suất và giá trái phiếu có mối quan hệ nghịch đảo. Một điểm cơ bản bằng 0,01%.
Chúng tôi đã điều chỉnh giảm dự báo tỷ giá AUD/USD cho quý 4 trở đi trong bối cảnh tăng trưởng yếu của Trung Quốc và rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu.
Mặc dù tâm lý tiêu cực của Trung Quốc vẫn tiếp tục và rủi ro tiềm ẩn sẽ là một trở ngại lớn đối với AUD, việc RBA có thể định giá lại theo hướng diều hâu sẽ hạn chế đà giảm của AUD.
Báo cáo chỉ số CPI và việc làm sẽ rất quan trọng đối với dự đoán RBA tăng lãi suất.
AUD/USD – Quý 4 năm 2023: 0,63 | Quý 1 năm 2024: 0,63
*Thời gian tính bằng GMT
Nguồn: Lịch kinh tế FX Street
Huân Hà tổng hợp