Sau phiên chất vấn của hội đồng thẩm phán tại Tòa phúc thẩm khu vực quận Columbia (thủ đô Washington, D.C), TikTok có thể phải vượt qua nhiều chướng ngại vật để có thể tránh lệnh cấm của Mỹ nếu chủ sở hữu là ByteDance Ltd. của Trung Quốc không bán ứng dụng rất phổ biến này.
Một hội đồng gồm ba thẩm phán của đã hoài nghi về lập luận của TikTok ngày 16/9 rằng luật do Tổng thống Joe Biden ký ban hành cấm ứng dụng chia sẻ video này sẽ vi phạm quyền tự do ngôn luận. Chính phủ Mỹ lập luận rằng những lo ngại về an ninh quốc gia liên quan tới việc ByteDance thao túng nội dung mà người dùng Mỹ xem là lý do ban hành lệnh cấm.
Sau phiên điều trần, nhà phân tích Matthew Schettenhelm của Bloomberg Intelligence cho rằng lập luận đó không có lợi đối với TikTok. Theo ông, tòa sẽ ủng hộ luật đã ban hành, điều sẽ khiến TikTok phải biện hộ tại Tòa án Tối cao Mỹ để tránh lệnh cấm trước ngày 19/1/2025.
Hồi tháng 4/2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật cho ByteDance thời gian 270 ngày để thoái vốn khỏi TikTok, nếu không ứng dụng này sẽ bị cấm tại Mỹ. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào ngày 19/1 năm tới, nhưng TikTok cho biết sẽ khiếu nại lên Tòa án Tối cao Mỹ. TikTok và Bộ Tư pháp đã yêu cầu phán quyết của Tòa phúc thẩm khu vực quận Columbia trước ngày 6/12 năm nay.
ByteDance, TikTok và một nhóm người dùng đã tranh luận trước tòa rằng lệnh cấm vi phạm Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp và sẽ tước bỏ quyền tự do ngôn luận của hơn 170 triệu người dùng ở Mỹ. Nhưng những đề xuất từ luật sư của TikTok và những người sáng tạo nội dung của ứng dụng rằng ứng dụng này có thể tiếp tục hoạt động ở Mỹ đã không được các thẩm phán đồng tình.
Chánh án Sri Srinivasan đặt câu hỏi nếu Mỹ đang có chiến tranh với một quốc gia thì liệu quốc gia đó có thể sở hữu một kênh truyền thông lớn ở Mỹ hay không. Yêu cầu của TikTok liệu có nghĩa Quốc hội Mỹ không thể cấm quốc gia như vậy sở hữu một kênh truyền thông lớn ở Mỹ hay không.
Trong khi đó, luật sư của TikTok, người tranh tụng nặng ký tại Tòa án Tối cao Andrew Pincus, đã trả lời rằng trong trường hợp như vậy, luật pháp phải được xem xét nghiêm trước tòa để xác định xem liệu có lý do thuyết phục để vi phạm các quyền hay không.
Một số tập đoàn công nghệ là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của TikTok có thể đang rất chú ý đến vụ việc.
Theo Bloomberg Intelligence, việc TikTok thua kiện có thể sẽ khiến nhiều người dùng đến với Google, Meta Platforms Inc. và Snap Inc. của Alphabet Inc. nhiều hơn. Oracle Corp., công ty cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu thông tin người dùng cho TikTok, có thể chịu tổn hại.
Năm 2019, Mỹ đã đệ đơn kiện đối với một ứng dụng có tên là Musical.ly căn cứ theo COPPA. ByteDance sau đó đã mua và sáp nhập ứng dụng này vào TikTok. Theo các quan chức của Bộ Tư pháp Mỹ, vụ kiện đó khiến TikTok phải thực hiện các bước để tuân thủ đạo luật về quyền riêng tư của trẻ em.
Đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một dự luật yêu cầu TikTok phải tìm một người mua không phải là người Trung Quốc trước thời điểm giữa tháng 1/2025, nếu không sẽ bị cấm hoạt động tại Mỹ. Luật này bắt nguồn từ lo ngại của Washington về an ninh quốc gia khi TikTok có tới 170 triệu người dùng tại Mỹ.
TikTok đã đệ đơn kiện tại một tòa án liên bang Washington, cho rằng luật này vi phạm quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ nhất. Mỹ bác bỏ lập luận này, khẳng định luật pháp giải quyết các vấn đề an ninh quốc gia. ByteDance cho biết họ không có kế hoạch bán TikTok, và công ty này đã đệ đơn kiện để ngăn chặn luật trên.
Ngày 2/8, một nhóm gồm 21 tiểu bang và hơn 50 nhà lập pháp Mỹ đã ủng hộ Bộ Tư pháp trong việc bảo vệ luật yêu cầu ByteDance phải bán tài sản của TikTok tại Mỹ trước ngày 19/1/2025 hoặc phải đối mặt với lệnh cấm. Hồ sơ tòa án do Bộ trưởng Tư pháp bang Montana và Virginia dẫn dầu nêu rõ: "TikTok là mối nguy đối với an ninh quốc gia và quyền riêng tư của người dùng".
Hoa Nguyễn