Hội đồng quản trị Microsoft (MSFT) vừa phê duyệt chương trình mua lại cổ phiếu mới trị giá lên đến 60 tỷ USD. “Gã khổng lồ” công nghệ Mỹ cũng công bố chia cổ tức hàng quý 0,83 USD/cổ phiếu, tăng 0,08 USD, tương đương 10% so với quý trước. Cổ tức được thanh toán vào ngày 12/12/2024. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 21/11/2024.
Các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Microsoft đang phải chịu sức ép rất lớn từ các nhà đầu tư để chứng minh lợi ích từ khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng AI. Hồi tháng 7, hãng đã thông báo kế hoạch tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo trong năm tài chính này. Cụ thể, Microsoft báo cáo chi tiêu vốn tăng 77,6% trong quý II/2024, chủ yếu do chi phí liên quan đến AI.
Microsoft là một trong những đối thủ nặng ký trong cuộc đua tương đối khốc liệt này. Đáng chú ý nhất phải kể đến khoản đầu tư 13 tỷ USD "rót" cho OpenAI, công ty khởi nghiệp đã tạo ra chatbot đình đám ChatGPT.
Microsoft là một trong số rất ít các tập đoàn lớn công khai mức đóng góp của AI trong báo cáo tài chính hàng quý. Cơn sốt AI đã giúp mảng kinh doanh điện toán đám mây của Microsoft tăng trưởng ở mức hai chữ số, trở thành một trong những phân khúc phát triển nhanh nhất và có lợi nhuận nhất của hãng, tạo ra doanh thu đáng kể từ việc áp dụng nhanh chóng Azure và các dịch vụ đám mây khác.
Mảng này chủ yếu cạnh tranh với các nền tảng đám mây như Amazon Web Services, Google Cloud và IBM Cloud, tất cả đều cung cấp những dịch vụ AI tạo sinh để thu hút khách hàng và tăng doanh thu. Có thể thấy, Microsoft là một trong những ứng cử viên lớn trong cuộc đua xây dựng các hệ thống AI và đầu tư hàng tỷ USD vào công nghệ này với hy vọng sẽ thu được kết quả tốt.
Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella cho rằng việc sử dụng các dịch vụ AI của hãng này đang tăng lên, đồng thời tin tưởng vào những cơ hội phía trước khi cho biết tập đoàn đang đầu tư dài hạn vào các yếu tố cơ bản và sự đổi mới, nhằm đảm bảo vị trí dẫn đầu trong kỷ nguyên AI.
Thành công bất ngờ của ChatGPT do OpenAI phát triển đã thúc đẩy AI tạo ra cuộc cách mạng công nghệ mới nhất ở Thung lũng Silicon. Kể từ khi ChatGPT xuất hiện vào năm 2022, Microsoft đã nỗ lực hết sức vào lĩnh vực AI và hiện vẫn duy trì điều này. Hãng sản xuất Windows đã cạnh tranh khốc liệt với Google trên thị trường AI tạo sinh, tung ra các công cụ tạo văn bản, hình ảnh hoặc dòng mã trên cơ sở một truy vấn đơn giản.
Doanh thu của Microsoft trong năm tài chính vừa qua (từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6/2024) đạt 245,1 tỷ USD, trong đó lợi nhuận ròng đạt 88,1 tỷ USD, lần lượt tăng 16% và 22% so với năm trước đó.
Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của Microsoft tăng hơn 17%. Tập đoàn hiện có giá trị thứ hai trên thế giới, được định giá ở mức 3,23 nghìn tỷ USD - chỉ kém một chút so với Apple, có giá trị 3,30 nghìn tỷ USD.
Hồi tháng 8, tập đoàn do tỷ phú Bill Gates sáng lập dự kiến doanh thu từ điện toán đám mây thông minh sẽ đạt từ 23,80 tỷ USD đến 24,10 tỷ USD trong quý III/2024. Con số này thấp hơn so với dự kiến trước đó là 28,6 tỷ USD và 28,9 tỷ USD.
Mới đây nhất, ngày 17/9, Microsoft và tập đoàn đầu tư khổng lồ BlackRock đã công bô một liên minh chiến lược với tham vọng dẫn đầu trong cuộc cách mạng AI. Hai "đại gia" công nghệ này đặt mục tiêu huy động lên đến 100 tỷ USD để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và trung tâm dữ liệu để cung cấp năng lượng cho AI.
Liên minh, còn có sự hợp tác của nhà đầu tư cơ sở hạ tầng Global Infrastructure Partners (GIP) và tập đoàn đầu tư công nghệ cao MGX, được thành lập tại thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) trong năm nay. Kế hoạch này đặt mục tiêu ban đầu là huy động 30 tỷ USD vốn cổ phần tư nhân và hướng tới nâng số tiền này lên 100 tỷ USD, trong đó có cả nguồn vốn vay.
Định giá của Microsoft (theo vốn hóa thị trường) đã tăng gần gấp 3 lần trong 3 năm qua và tập đoàn công nghệ đang nằm trong câu lạc bộ 3 nghìn tỷ USD, với Apple là thành viên duy nhất khác tại thời điểm này.
Microsoft không hề miễn nhiễm với các đợt điều chỉnh và suy thoái của thị trường, tuy nhiên lại được bảo vệ tốt hơn nhiều so với các tập đoàn công nghệ khác. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều khách hàng của Microsoft là các tập đoàn khác.
Nếu bạn quên mất các sản phẩm của Microsoft phổ biến như thế nào trong xã hội, thì không cần tìm đâu xa hơn sự cố bản cập nhật phần mềm bị lỗi của công ty CrowdStrike, đã đóng băng hàng triệu máy tính trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến các hãng hàng không, ngân hàng và các dịch vụ khác.
Microsoft hiện đang tiếp cận hầu như mọi lĩnh vực công nghệ trên toàn thế giới. Phần mềm của tập đoàn cung cấp năng lượng cho các hệ thống máy tính cá nhân và doanh nghiệp. Nền tảng đám mây Azure của họ là nền tảng cho internet. Microsoft cũng sở hữu các thương hiệu trò chơi hàng đầu, trang web mạng LinkedIn và nhiều hơn thế nữa.
Trong khi các tập đoàn công nghệ lớn khác phụ thuộc nhiều vào chi tiêu của người tiêu dùng (chẳng hạn như Apple với phần cứng) hoặc sự thành công của một dòng sản phẩm (chẳng hạn như Nvidia với GPU), Microsoft đã xây dựng một hệ sinh thái với nhiều bộ phận tự mang lại giá trị cho mình. Đây là yếu tố rất lớn trong sự tăng trưởng doanh thu và thu nhập hoạt động (lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi) ổn định của Microsoft trong thập kỷ qua.
Công nghệ là một ngành công nghiệp đang không ngừng mở rộng và được thúc đẩy bởi các tập đoàn như Microsoft, những tập đoàn liên tục tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh của mình.
Với mô hình kinh doanh đa dạng, vai trò mạnh mẽ trong công nghệ và dự trữ tiền mặt khổng lồ, Microsoft là khoản đầu tư hấp dẫn dài hạn. Triển vọng vững chắc của tập đoàn cho thấy vẫn chưa quá muộn để nhà đầu tư tận hưởng những khoản lợi nhuận lớn từ “gã khổng lồ” công nghệ này trong những năm tới.
Yến Anh-Theo investopedia,edgemiddleeast,fool