Với một chiếc máy tính cá nhân và một vài kỹ năng sáng tạo, bạn có thể chuyển đổi tác phẩm kỹ thuật của mình thành NFT.
NFT là các mã thông báo không thể thay thế. Trong kinh tế học, thuật ngữ “không thể thay thế” được sử dụng để biểu thị các đặc điểm như tính duy nhất và không thể thay thế cho nhau. Trong không gian tiền kỹ thuật số, thuật ngữ này chỉ đơn giản chỉ ra rằng một vật phẩm này không thể trao đổi cho một vật phẩm khác.
Một mã thông báo, hay còn gọi là token, về cơ bản là một chứng chỉ hợp lệ được lưu trữ trên chuỗi khối phi tập trung, giúp người dùng có thể dễ dàng truy cập và truy xuất nguồn gốc của một tài sản kỹ thuật số. Do đó, NFT là một loại tiền ảo độc nhất vô nhị, xuất hiện dưới khá nhiều thể loại và thường có định dạng như tranh vẽ, video, nhạc, các vật phẩm sưu tầm được trong trò chơi điện tử hoặc bất kỳ loại hình sản xuất kỹ thuật số sáng tạo nào khác.
Kể từ khi NFT bùng nổ vào đầu năm 2021, mọi người hiện đang mua và bán những token này trên khắp thế giới. Nhưng, làm thế nào ai đó có thể chuyển đổi một tác phẩm nghệ thuật thực sự thành NFT và làm thế nào họ có thể bán được các NFT này? Việc này có khó không? Mã hóa có cần thiết trong việc tạo NFT không?
Thực tế, các bước thực hiện việc này khá đơn giản. Bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn một vài thông tin cũng như các bước thực hiện của quy trình này.
Nghệ thuật là lĩnh vực xuất hiện dưới định dạng NFT phổ biến nhất, vì thế không có gì lạ khi crypto art ở dạng NFT đã bùng nổ trong thời gian gần đây. Thực tế, công nghệ blockchain mới đã tạo điều kiện, cho phép các nghệ sĩ kiếm được hàng chục triệu USD từ các bức tranh kỹ thuật số của mình. Điều này đã thu hút nhiều người sáng tạo, những người trước đây chỉ có thể mơ về mức độ và khả năng tiếp cận dễ dàng như vậy.
Các cuộc đấu giá NFT có liên quan đến nghệ thuật kỹ thuật số cũng đã nhận được sự chú ý đáng kể của công chúng với những tác phẩm NFT đạt mức giá lên tới hàng triệu USD. Đơn cử, vào năm 2022, tác phẩm NFT “Merge” của nghệ sĩ ẩn danh Pak đã trở thành bức tranh đắt nhất thế giới với giá bán 91,8 triệu USD.
Trước đó, vào năm 2021, bộ sưu tập Everydays: 5000 Days First NFT của nghệ sĩ Mike Winkelmann, được gọi là Beeple, đã được bán với giá 69,3 triệu USD.
Crypto art gắn liền với các tác phẩm nghệ thuật độc đáo do các nghệ sĩ nổi tiếng tạo ra. Chúng không chỉ được bán đấu giá trên các nền tảng NFT phổ biến mà còn xuất hiện trong các phiên đấu giá của những tên tuổi lớn như Sotheby và Christie. Tuy nhiên, phần lớn các tác phẩm nghệ thuật trong không gian tiền kỹ thuật số hiện mới chỉ được tạo ra bởi những người mới mà tài năng và tên tuổi của họ chưa từng biết đến.
Tuy nhiên, một số bộ sưu tập NFT bao gồm bộ sưu tập tiên phong có tên CryptoPunks hoặc Bored Ape Yacht Club được quảng cáo rầm rộ gần đây là những ví dụ về nghệ thuật tổng hợp. Loại hình nghệ thuật này thường được tạo ra với sự trợ giúp của các hệ thống tự trị khác nhau. Hình ảnh trong các bộ sưu tập phổ biến này được tạo ra bằng cách tập hợp một loạt các thành phần hình ảnh đơn giản theo các cách kết hợp khác nhau.
Nếu bạn đang tự hỏi liệu có nên chuyển đổi tác phẩm nghệ thuật của mình thành một NFT hay không, câu trả lời rõ ràng là, “có, tại sao lại không thử.” Quá trình tạo ra một NFT không phức tạp, tốn kém và không đòi hỏi quá nhiều về mặt kỹ thuật. Tất cả những gì bạn cần mà một chiếc máy tính cá nhân và một vài kỹ năng sáng tạo.
Một lần nữa, cần lưu ý rằng NFT có thể chuyển đổi không chỉ hình ảnh mà còn cả bài hát, video, GIF và các sản phẩm kỹ thuật số khác. Vì vậy, trước tiên, bạn cần phải chọn một lĩnh vực nghệ thuật thích hợp và phù hợp với mình nhất. Tùy thuộc vào điều đó, bạn sẽ hiểu mình sẽ cần những kỹ năng nào để trở thành một nhà sáng tạo NFT thực sự.
Ví dụ: là một nghệ sĩ đồ họa, bạn sẽ được yêu cầu sử dụng các công cụ chỉnh sửa đồ họa như Adobe Illustrator, Adobe Photoshop, MS Paint, CorelDraw và các công cụ tương tự. Bạn cũng có thể thử các cách công cụ thay thế như mô hình ba chiều (3D). Nếu chọn hoạt hình 3D, bạn sẽ phải sử dụng các công cụ tạo mô hình 3D như Blender hoặc Cinema 4D để thiết kế đồ họa hoạt hình và các nhân vật sau đó sẽ được chuyển đổi thành NFT.
Sau đó, anh em sẽ cần lên ý tưởng độc đáo cho hoặc là tác phẩm nghệ thuật đơn lẻ của mình hoặc là cả một bộ sưu tập đầy đủ, đồng thời suy nghĩ về nội dung mà nó sẽ truyền tải.
Việc tạo một NFT từ một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số mà không cần lập trình thực ra rất dễ dàng. Quá trình này được gọi là đúc tiền (minting). Về cơ bản, nó là hành động xuất bản một phiên bản duy nhất của mã thông báo trên blockchain. NFT được đúc sau khi phiên bản duy nhất được tạo ra, tương tự như cách tiền xu được tạo ra và đưa vào lưu thông.
Sau quy trình này, một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số cụ thể sẽ trở nên an toàn và không thể bị làm giả hay bị thao túng. Ngay khi vật phẩm kỹ thuật số này trở thành NFT, nó có thể được mua, bán và theo dõi, kể cả khi nó được bán lại hoặc thu hồi.
Đối với các nghệ sĩ, biến tác phẩm kỹ thuật số thành NFT là cách mới để kiếm tiền từ tác phẩm của mình. Trên hầu hết các thị trường NFT, các nghệ sĩ có thể lập điều khoản liên quan tới vấn đề tiền bản quyền khi đúc NFT, qua đó tạo ra thu nhập thu động cho họ mỗi khi các NFT này được mua đi bán lại.
Minting là một quy trình tự động được cung cấp trên hầu hết các thị trường NFT. Bạn sẽ cần thực hiện một số bước đơn giản như được đề cập bên dưới:
Tất nhiên, bạn có thể thử tự mình viết mã NFT nếu bạn đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này và muốn trở thành một nhà phát triển NFT. Song, để đi sâu vào lĩnh vực lập trình NFT, bạn cần lưu ý rằng mạng Ethereum vẫn độc quyền trong việc phát triển NFT.
Ngôn ngữ lập trình thường được sử dụng để phát triển NFT là Solidity, được thiết kế để phát triển các hợp đồng thông minh chạy trên chuỗi khối Ethereum. Những ngôn ngữ khác là Javascript và HTML / CSS. Ngoài ra, InterPlanetary File System thường được sử dụng để lưu trữ NFT của nghệ sĩ.
Một phần thiết yếu của quá trình đúc NFT là chọn một nền tảng NFT thích hợp. Việc lựa chọn một nền tảng phù hợp phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau như định dạng tệp được hỗ trợ, đối sánh ví tiền điện tử, khả năng truy cập vào nền tảng cho người dùng, chi phí để đúc NFT hoặc phí giao dịch (là khoản thanh toán mà người dùng cần trả để xử lý và xác thực giao dịch.)
Có rất nhiều thị trường NFT trực tuyến khác nhau trong không gian tiền điện tử và mỗi thị trường trong số đó lại có đôi chút khác biệt trong cách thức hoạt động. Điều quan trọng đối với các nghệ sĩ là phải tìm hiểu xem liệu đây là nền tảng được quản lý hay nền tảng tự phục vụ và chọn nền tảng phù hợp nhất, được nhiều người truy cập nhất và thân thiện nhất với người dùng.
Nền tảng NFT tự phục vụ hoặc không được quản lý cung cấp quyền truy cập miễn phí cho tất cả các nghệ sĩ. Để tải NFT lên chúng, bạn chỉ cần đăng ký qua ví tiền điện tử và trả phí giao dịch để đúc NFT. Phổ biến nhất là các thị trường NFT tự phục vụ đại chúng như OpenSea và Rarible.
Các nền tảng NFT được quản lý yêu cầu khắt khe hơn một chút với các nghệ sĩ. Để đăng ký và bắt đầu đúc tác phẩm của mình trên các nền tảng này, bạn sẽ cần gửi đơn đăng ký, trong đó bao gồm tất cả các chi tiết về bộ sưu tập NFT và trải nghiệm nghệ thuật trước đây của bạn.
Một nhược điểm khác của các thị trường NFT được quản lý là thời gian chờ đợi quyết định của các chuyên gia rất lâu. Tuy nhiên, do tiêu chí lựa chọn nghiêm ngặt này mà hầu hết nghệ sĩ đều lựa chọn trưng bày các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số hàng đầu của mình trên những nền tảng này, bởi nó mang đến tự tin tưởng của người mua đối với các nghệ sĩ. Một số nền tảng được quản lý nổi tiếng là SuperRare và Nifty Gateway.
Ví tiền điện tử là một công cụ mà bạn sẽ cần để truy cập nền tảng NFT, ký giao dịch và quản lý số dư của mình.
Trước khi thiết lập, điều quan trọng nhất là đảm bảo rằng ví này tương thích với loại tiền điện tử được sử dụng trên nền tảng NFT mà bạn đã chọn. Vì hầu hết các thị trường NFT đều dựa trên Ethereum nên các thị trường này chấp nhận đồng Ether như một phương tiện thanh toán. Vì vậy, lựa chọn phù hợp nhất là một ví tiền điện tử có chứa lượng Ether khả dụng.
Việc lựa chọn một ví tiền điện tử phù hợp phụ thuộc vào việc bạn mong muốn tính năng bảo mật của ví cao tới đâu. Có 3 loại ví chính, bao gồm ví giám sát, ví không giám sát và ví phần cứng. Ví giám sát còn được gọi là ví lưu trữ vì tiền của người dùng được bên thứ ba tự động lưu trữ trong đó, tương tự như cách các ngân hàng giữ tiền trong tài khoản séc và tài khoản tiết kiệm.
Ví không lưu trữ cho phép người dùng kiểm soát hoàn toàn tính bảo mật của các đồng tiền điện tử của mình thay vì dựa vào bên thứ ba để giữ an toàn cho tiền. Ví phần cứng, còn được gọi là ví lạnh, là một thiết bị vật lý có thể giữ tiền điện tử của người dùng ngoại tuyến và bảo mật nó ngay cả trong trường hợp xấu nhất khi máy tính của bạn bị ai tấn công.
Với hầu hết mọi người, mục đích cuối cùng của việc đúc NFT là bán ra NFT này. Hầu hết các nền tảng NFT đều có tính năng chọn phương thức bán hoặc tùy chọn đặt giá cho NFT khi nó đang trong quá trình đúc.
Hai cách chính để bán NFT hiện nay là đặt giá cố định hoặc bán đấu giá. Đặt giá cố định được coi là cách dễ nhất cũng như trực tiếp và minh bạch nhất. Để bán NFT mới đúc của mình theo cách này, bạn sẽ chỉ cần xác định mức giá mà bạn muốn bán nó. Một số nền tảng cũng yêu cầu đặt tỷ lệ tiền bản quyền, tức số tiền bạn sẽ nhận được trong trường hợp tác phẩm nghệ thuật của bạn được mua đi bán lại trong tương lai, vì vậy hãy chú ý đến điều đó.
Cách thứ hai để bán NFT là thông qua bán đấu giá. Với hình thức này, người mua có thể xem xét và đặt giá thầu cho tác phẩm kỹ thuật số của bạn. Phiên đấu giá có thể diễn ra dưới hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp cả hai.
Về cách thức đấu giá cũng có hai kiểu. Đấu giá tăng dần, hay còn gọi là đấu giá kiểu Anh, là hình thức mà mức giá gọi thầu tăng dần và người thắng là người trả giá cao nhất. Trong khi đó, đấu giá giảm dần, hay còn gọi là đấu giá kiểu Hà Lan, là hình thức mà giá sẽ giảm dần xuống cho tới khi có ai đó mua NFT của bạn.
Bản thân bạn là người có toàn quyền quyết định trong việc lựa chọn cách bán NFT. Mỗi cách đều có ưu và nhược điểm riêng. Như với cách đặt giá cố định cho thấy có thể bạn không thực sự hiểu rõ giá trị thật của tác phẩm nghệ thuật, còn với hình thức đấu giá, mức giá cuối cùng của NFT lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố tác động khác nhau.
Đỗ Hiền - Theo cointelegraph.com