Nvidia (NVDA) - công ty công nghệ đa quốc gia có trụ sở ở Mỹ - đang được hưởng lợi từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI) và đã tạo ra một con hào kinh tế sâu rộng. Đáng chú ý, mặc dù tăng trưởng mạnh, cổ phiếu công nghệ này được giao dịch ở mức định giá không đắt.
Câu hỏi trong tâm trí của nhiều nhà đầu tư là liệu Nvidia, một trong những cổ phiếu có hiệu suất tốt nhất trên thị trường, có còn đáng mua sau đợt tăng giá mạnh trong 5 năm qua hay không?
Đối với những ai đã bỏ lỡ cơ hội mua cổ phiếu công nghệ này, hãy cùng xem xét 5 lý do tại sao câu trả lời vẫn là “có”.
Hiện tại, cuộc đua giữa những công ty công nghệ lớn nhất để xây dựng các trung tâm dữ liệu được thiết kế nhằm xử lý AI đang đến hồi sôi động, đầy kịch tính và căng thẳng. Dù các nhà đầu tư không phải lúc nào cũng thích kế hoạch chi tiêu của các công ty công nghệ hàng đầu này, nhưng ngân sách chi tiêu vốn (capex) của họ đang ngày càng tăng lên.
Những tên tuổi lớn đang chi tiêu mạnh tay cho cơ sở hạ tầng AI bao gồm các công ty điện toán đám mây trụ cột Microsoft, Amazon, Alphabet và các công ty như Meta Platforms, Oracle, OpenAI và Tesla và xAI của tỷ phú công nghệ Elon Musk.
Cả Alphabet và Meta Platforms đều cho biết rằng rủi ro lớn nhất đối với việc xây dựng cơ sở hạ tầng AI của họ là đầu tư không đủ, xét đến cơ hội khổng lồ mà AI mang lại. Musk đã xây dựng trung tâm dữ liệu riêng cho xAI vì Oracle không thể sản xuất cụm AI mà công ty cần đủ nhanh.
Trong khi các công ty công nghệ lớn này đang cạnh tranh khốc liệt, thì công ty có vị thế tốt nhất để tiếp tục gặt hái thành quả chính là Nvidia. Thông qua việc bán các đơn vị xử lý đồ họa (GPU) của mình, về cơ bản Nvidia là một tay buôn vũ khí đáng gờm trong cuộc chiến giành quyền thống trị AI.
Trong bối cảnh các công ty công nghệ xây dựng cơ sở hạ tầng AI của họ, không có dấu hiệu nào cho thấy chi tiêu dành cho hoạt động này sẽ giảm bớt. Lý do chính là khi các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) phát triển, chúng cần nhiều sức mạnh tính toán hơn để được đào tạo.
Và chúng sẽ không chỉ cần thêm một vài GPU để đào tạo - chúng sẽ cần nhiều hơn theo cấp số nhân. Ví dụ, mô hình Grok 2 của xAI đã sử dụng 20.000 GPU để đào tạo, trong khi mô hình Grok 3 sẽ sử dụng 100.000 GPU.
Meta Platforms cho biết mô hình Llama 4 thế hệ tiếp theo của công ty có thể sẽ cần sức mạnh tính toán gấp 10 lần so với Llama 3. Điều đó sẽ đưa số lượng GPU cần thiết để đào tạo mô hình lên tới 160.000 GPU.
Trong cuộc gọi thu nhập gần đây, Oracle cho rằng các nhà đầu tư không nên quá lo lắng về việc chi tiêu cho đào tạo AI sẽ chậm lại trong 5 đến 10 năm tới. Công ty dự đoán việc chuyển hướng chi tiêu sang suy luận AI, vốn ít tốn kém hơn về mặt tính toán, sẽ không chậm lại.
Trong bối cảnh này, Nvidia dường như có một đường băng dài để tăng trưởng.
Nvidia không phải là nhà sản xuất GPU duy nhất. Advanced Micro Devices là đối thủ lớn nhất của Nvidia, trong khi Broadcom giúp sản xuất chip tùy chỉnh cho các công ty như Alphabet và Meta.
Tuy nhiên, Nvidia nắm giữ hơn 80% thị phần trong không gian GPU. Trong kết quả quý II/2024, doanh thu GPU trung tâm dữ liệu tăng vọt 154% so với cùng kỳ năm trước lên 26,2 tỷ USD. Doanh thu trung tâm dữ liệu của AMD tăng 115% lên 2,8 tỷ USD trong quý II.
Sự thống trị của Nvidia phần lớn bắt nguồn từ con hào kinh tế mà công ty đã tạo ra thông qua nền tảng phần mềm CUDA, đây là thứ mà hầu hết các lập trình viên GPU đã được dạy cách sử dụng. Được tạo ra vào năm 2006 để các nhà phát triển có thể lập trình trực tiếp GPU của mình, công ty đã cung cấp phần mềm miễn phí để bán được nhiều chip hơn.
Trong những năm kể từ đó, Nvidia đã xây dựng được một số công cụ và công nghệ dựa trên CUDA có tên là CUDA-X nhằm mở rộng hơn nữa vị thế dẫn đầu về phần mềm của mình.
Phần mềm của Nvidia đã ăn sâu vào cộng đồng lập trình GPU và sẽ rất khó có công ty nào có thể thay thế Nvidia để dẫn đầu về GPU tại thời điểm này, do thời gian và chi phí để đào tạo lại các lập trình viên trên các nền tảng khác sẽ quá lớn.
Ngoài con hào kinh tế sâu rộng do phần mềm tạo ra, Nvidia còn đi đầu trong công nghệ GPU. Gần đây, công ty đã quyết định đẩy nhanh chu kỳ phát triển của mình để giới thiệu kiến trúc GPU mới mỗi năm, tăng tốc từ chu kỳ phát triển 2 năm trước đó.
Các chip Hopper thế hệ hiện tại của công ty đã đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn, tuy nhiên ban quản lý đã sẵn sàng tung ra dòng chip thế hệ mới Blackwell vào cuối năm nay. Đây là sản phẩm kế thừa dòng Hopper sử dụng công nghệ AI đang bán chạy nhất của Nvidia. Công ty đã công bố kế hoạch cho kiến trúc Rubin thế hệ tiếp theo vào năm 2026.
Tốc độ nhanh chóng này nhằm mục đích giúp công ty luôn đi đầu trong đổi mới, đồng thời vẫn duy trì được sức mạnh về giá. Trong khi đó, toàn bộ kiến trúc của công ty đều tương thích và có thể hoạt động với các hệ thống cũ hơn, do đó, khách hàng không cần phải lo lắng về việc các đơn đặt hàng lớn sẽ nhanh chóng trở nên lỗi thời.
Thời gian qua, các hãng công nghệ hàng đầu thế giới đã liên tục rót hàng chục tỷ USD vào lĩnh vực chip AI và phần mềm của Nvidia. Hiện các hãng công nghệ lớn của thế giới, trong đó có Microsoft, Google, Meta, Tesla đều đang phụ thuộc vào công nghệ của Nvidia để huấn luyện các mô hình AI tạo sinh và thực hiện một khối lượng công việc tính toán nặng nề nhưng vô cùng cần thiết nhằm triển khai công nghệ mới.
Bên cạnh triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ và con hào kinh tế rộng lớn của công ty, định giá cổ phiếu Nvidia rẻ hơn là tin tốt đối với hầu hết nhà đầu tư. Cổ phiếu này được giao dịch ở tỷ lệ giá trên thu nhập (P/E) dự phóng chỉ khoảng 30 dựa trên ước tính của các nhà phân tích vào năm 2025 và tỷ lệ giá trên thu nhập trên tăng trưởng (PEG) chỉ nhỉnh hơn 0,8 một chút.
Tỷ lệ PEG tính đến tốc độ tăng trưởng thu nhập của công ty và các cổ phiếu có tỷ lệ PEG dưới 1 thường được coi là bị định giá thấp. Các cổ phiếu tăng trưởng cao thường có bội số cao hơn 1. Vì vậy, đối với một cổ phiếu có mức tăng trưởng thu nhập và doanh thu như Nvidia, thì P/E dự phóng là 30 và tỷ lệ PEG là 0,8 được đánh giá là rất hấp dẫn.
Ngoài ra, lưu ý rằng điều này dựa trên mức tăng trưởng của Nvidia trong năm 2025, thấp hơn tốc độ tăng trưởng thu nhập khổng lồ hiện tại của công ty.
Đó là những bội số định giá rất khiêm tốn đối với một công ty đã tăng trưởng doanh thu lên gấp ba chữ số gần đây và vẫn tiếp tục tăng trưởng trong thời gian dài. Vì vậy, để trả lời câu hỏi được đặt ra ở đầu bài viết: Có, Nvidia là một cổ phiếu đáng mua!
Yến Anh