Trong phiên 20/8, giá vàng giữ vững trên mốc 2.500 USD/ounce, do tình hình căng thẳng ở Trung Đông, sự yếu đi của đồng USD và kỳ vọng vào khả năng Fed hạ lãi suất vào tháng 9. Giá dầu đi xuống khi mối lo ngại về nguồn cung tại Trung Đông dịu bớt.
Giá vàng giao ngay đã tăng 0,3% lên 2.510,35 USD/ounce, sau khi có thời điểm vọt lên 2.531,60 USD/ounce - mức cao kỷ lục. Chốt phiên 20/8, giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ tăng 0,4% lên 2.550,6 USD/ounce.
Chỉ số DXY đo lường biến động của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt đã giảm xuống mức thấp trong 7 tháng, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng đi xuống.
Chuyên gia Aakash Doshi tại tổ chức nghiên cứu Citi Research nhận định, động lực chính cho giá kim loại quý đi lên là nhu cầu đầu tư tài chính, đặc biệt là hoạt động mua vào của các quỹ hoán đổi danh mục (ETF). Ngoài ra, giá vàng cũng được hưởng lợi nhờ niềm tin vào khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 9.
Chuyên gia này dự đoán, giá vàng có thể vọt lên 2.600 USD/ounce vào cuối năm 2024 và 3.000 USD/ounce vào giữa năm 2025.
Fed được cho là sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản trong mỗi cuộc họp ở cả 3 cuộc họp chính sách còn lại trong năm 2024. Một số chuyên gia tham gia khảo sát của hãng tin Reuters đã bác bỏ khả năng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Theo CME FedWatch Tool, thị trường dự kiến có 71,5% cơ hội Fed sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp vào tháng 9.
Các nhà giao dịch đang theo dõi chặt chẽ biên bản cuộc họp chính sách tháng 7 của Fed công bố ngày 21/8 và bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Hội nghị thường niên chuyên đề kinh tế Jackson Hole vào ngày 23/8, để tìm kiếm manh mối về kế hoạch giảm lãi suất trong năm nay.
Chốt phiên 20/8, giá dầu Brent giao tháng 10 giảm 46 xu (0,6%) xuống 77,20 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 9 giảm 33 xu (0,4%) xuống 74,04 USD/thùng. Giá dầu WTI giao tháng 10 giảm khoảng 49 xu xuống còn 73,17 USD/thùng.
Ông Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại IG cho biết: "Diễn biến địa chính trị ở Trung Đông và triển vọng nhu cầu từ Trung Quốc đang tác động đến thị trường năng lượng".
Ngày 19/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhất trí với “đề xuất bắc cầu” do Washington đưa ra để giải quyết những bất đồng cản trở thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza, đồng thời hối thúc lực lượng Hamas có động thái tương tự.
Nhà phân tích Svetlana Tretyakova của công ty tư vấn và nghiên cứu năng lượng Rystad Energy, cho rằng thị trường dầu mỏ sẽ vẫn rất nhạy cảm với bất kỳ diễn biến nào trong khu vực Trung Đông.
Trong khi đó, theo một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters, dự trữ dầu thô tại Mỹ được dự báo sẽ giảm 2,9 triệu thùng vào tuần trước.
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (tức OPEC+), cho rằng nhu cầu dầu thế giới cần tăng trưởng nhanh hơn trong những tháng tới. Nếu không, thị trường sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp nhận kế hoạch tăng cung của tổ chức này từ tháng 10.
Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và là thành viên của OPEC, cho biết xuất khẩu dầu thô giảm từ 6,118 triệu thùng/ngày trong tháng 5 xuống 6,047 triệu thùng/ngày trong tháng 6.
Ngoài ra, lo ngại về các vấn đề kinh tế của Trung Quốc đã tạo áp lực lên giá dầu. Sau một quý II ảm đạm, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục để mất đà trong tháng 7 khi giá nhà mới giảm với tốc độ nhanh nhất trong 9 năm, sản lượng công nghiệp chậm lại, tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư giảm trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng.
Yến Anh